Xử lý xây dựng sai phép: Nhà xây sai thiết kế có thể được “tha”

Cập nhật 05/03/2009 08:10

Những thay đổi so với thiết kế nhưng không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình, kiến trúc thì không bị phạt.

Thực tế khi xây nhà, chủ nhà thường ít nhiều điều chỉnh so với thiết kế ban đầu (bản vẽ thiết kế gắn liền với giấy phép xây dựng). Bởi lẽ khi bắt tay vào xây dựng, gia chủ mới thấy lộ ra một số vấn đề mà trước đó chưa lường tới hoặc đơn giản là muốn điều chỉnh cho phù hợp với công năng sử dụng, thẩm mỹ, phong thủy... Vì ngại phải “đụng” tới thủ tục xin điều chỉnh giấy phép xây dựng nên nhiều người đã xây sai phép. Tuy nhiên, việc xử lý nhà xây sai phép lại mỗi nơi một kiểu (Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài phản ánh và tổ chức hội thảo về vấn đề này). Vậy Nghị định 23 về xử phạt trong xây dựng, kinh doanh bất động sản mới được ban hành có gỡ được những mắc mứu này?

Sắp có hướng dẫn “tha”


Nghị định 23 ngoài việc nâng mức phạt tiền đối với chủ nhà xây sai phép thì còn dẫn chiếu đến nghị định 180/2007 quy định việc xử lý nhà sai phép. Theo đó, cứ xây sai phép là phạt và buộc phải phá dỡ, không phân biệt sai lớn hay nhỏ. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hôm qua (4-3), ông Dương Thành Phố, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết: Bộ đang hoàn tất dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 23, trong đó sẽ gỡ vướng về xử lý nhà xây sai phép. Hiện văn bản đang lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, sắp tới sẽ lấy ý kiến các địa phương.

Cụ thể, thông tư sẽ hướng dẫn việc xử phạt nhà xây sai phép theo hướng: Chỉ phạt đối với vi phạm trong xây dựng về chiều cao tầng, cốt nền, kiến trúc cảnh quan, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, đấu nối hạ tầng điện, nước... Đồng thời, phạt việc xây sai thiết kế khi cái sai đó liên quan đến kết cấu công trình, kiến trúc như: việc thay đổi các dầm xà làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, an toàn của công trình; thiết kế là nhà mái bằng nhưng lại làm thành mái nhọn, mái cong thành mái phẳng...

Ông Phố nhấn mạnh: Thông tư sẽ đưa ra nguyên tắc: Những thay đổi so với thiết kế nhưng không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình, kiến trúc, quy hoạch... thì không bị phạt. “Ông A có con trai sắp lấy vợ, đã ngăn phòng rộng thành hai phòng bằng khung nhôm kính. Việc thay đổi này không làm ảnh hưởng gì đến kết cấu nhà. Trường hợp này sẽ không bị phạt. Hay như cửa đi có thiết kế cao là 1,9 m nhưng khi làm gia chủ theo phong thủy thì cửa cần cao tới 1,95 m. Trường hợp này cũng không bị xử phần xây không đúng với thiết kế” - ông Phố ví dụ.

Không tự giác nộp sẽ trừ vào thu nhập

Theo Nghị định 23, cá nhân, tổ chức xây sai phép bị phạt tới 30 triệu đồng, nếu tái phạm sẽ bị phạt tới 300-500 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng quy định mức phạt cao như vậy sẽ khó khả thi đối với những công trình xây dựng có giá trị nhỏ chỉ vài chục triệu đồng hay đối với gia chủ thu nhập ở mức thấp.

Về băn khoăn này, ông Phố cho rằng: “Phải nghiêm khắc đối với những hộ cố tình chây ỳ, tái phạm. Có như vậy thì mới quản lý đô thị được. Tuy nhiên, phạt “mút khung” đến 500 triệu đồng chủ yếu áp dụng đối với chủ các dự án”.

Cũng theo nghị định mới, tổ chức, cá nhân vi phạm nếu không tự nguyện nộp phạt thì bị cưỡng chế như khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

Theo quy định, công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì không cần có giấy phép xây dựng. Với quy định này, nhiều người băn khoăn: Như vậy nhà xây trong những khu vực này rất “sướng” vì được miễn giấy phép xây dựng và cũng khỏi cần phải tuân theo thiết kế nhà. Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Dương Thành Phố giải thích, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã cụ thể, tỉ mỉ, trong đó quy định mật độ xây dựng, chiều cao... Vì vậy, không cần đến thiết kế xây dựng nữa. Tuy nhiên, nếu chủ nhà cơi nới, làm sai quy hoạch thì cũng sẽ bị phạt.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP