Về nguyên tắc, lẽ ra tội phạm này đã được khởi tố từ bốn tháng trước. Tầng hầm xây dựng trái phép là vật chứng của vụ án phải được bảo quản và xử lý theo quy định pháp luật.
Những vi phạm của cao ốc Pacific đã được “phanh phui” trên báo. Đến nay, việc xử lý công trình này chỉ mới ở giai đoạn “đề nghị khởi tố”, chưa bị xử lý hành chính mà cũng chưa bị rơi vào tố tụng. Nếu chủ đầu tư cao ốc Pacific muốn tự khắc phục thiệt hại - lấp tầng hầm xây lố, liệu có được?
Điều 62 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định nếu thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền (tức cơ quan điều tra của công an). Nghiêm cấm “hành chính hóa hình sự” nghĩa là giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm (như vi phạm trong xây dựng cao ốc Pacific này) để xử phạt hành chính.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra phải xác minh kịp thời và ra quyết định khởi tố hoặc ra quyết định không khởi tố trong vòng bình thường là 20 ngày kể từ ngày nhận được tin báo về tội phạm. Với trường hợp cao ốc Pacific, việc xây dựng trái phép gây sụp đổ Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ xảy ra ngày 9-10-2007 thì hôm sau tức 10-10, báo chí cả nước đã thông tin hành vi này với đầy đủ tình dấu hiệu tội phạm.
Như vậy thì về nguyên tắc, lẽ ra tội phạm này đã được khởi tố từ bốn tháng trước và nay thuộc thẩm quyền thụ lý của cơ quan điều tra. Tầng hầm xây dựng trái phép là vật chứng của vụ án phải được bảo quản và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật, những người bị hại (như Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Sở Ngoại vụ TP.HCM, chủ cao ốc Yoco...) có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình. Trong quá trình tiến hành điều tra, cơ quan điều tra có nhiệm vụ thu thập chứng cứ kịp thời và mô tả đúng thực trạng của chứng cứ vào biên bản, chụp ảnh, quay phim đưa vào hồ sơ vụ án.
Cơ quan điều tra ra lệnh niêm phong vật chứng để bảo đảm vật chứng nguyên vẹn, phục vụ cho việc chứng minh tội phạm; không được thay đổi, làm hư hỏng vật chứng (các tầng hầm xây trái phép). Không ai được làm xáo trộn hiện trường, xóa bỏ tang chứng, làm biến dạng vật chứng của vụ án... Để bảo đảm việc này, cơ quan điều tra có thể giao các tầng hầm đó cho chủ đầu tư hoặc chính quyền địa phương bảo quản.
Cơ quan điều tra còn có thể trưng cầu giám định nếu thấy vật chứng có nguy cơ gây sụp đổ tiếp, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân. Kết quả giám định là cơ sở để cơ quan điều tra kịp thời xử lý vật chứng bằng cách ra quyết định xử lý và ghi vào biên bản. Nếu chủ đầu tư có yêu cầu được tự khắc phục hậu quả bằng cách lắp lại tầng hầm hoặc xét thấy có nguy hiểm đe dọa thì cơ quan điều tra có nhiệm vụ yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng ngay biện pháp cần thiết (VD: lấp lại tầng hầm) với điều kiện bảo đảm việc này không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
Dĩ nhiên cơ quan tiến hành tố tụng có quyền thì cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định xử lý vật chứng của mình.
Sở Xây dựng hoặc UBND TP phải ra lệnh
Khi công an đã khởi tố vụ án, đương nhiên trách nhiệm về việc sụt lún, gây hậu quả tiếp theo cho các công trình xung quanh là của công an nếu họ không có biện pháp nào buộc người vi phạm khắc phục, ngăn ngừa. Tuy nhiên, thông tin cho thấy công an chưa vào cuộc trong khi sự việc rõ ràng có dấu hiệu hình sự là điều bất thường.
Tôi không đi sâu vào chuyện bất thường ở chỗ công an chưa khởi tố vụ án. Tôi chỉ lưu ý nếu không chịu yêu cầu lấp các tầng hầm vi phạm tại công trình cao ốc Pacific mà có chuyện sập các công trình xây dựng xung quanh thì cơ quan chịu trách nhiệm trước tiên là Sở Xây dựng, nơi cấp phép xây dựng cho tòa nhà Pacific. Anh không thể lấy lý do nào để biện minh cho sự trì hoãn xử lý vì sự việc đã phơi bày hơn bốn tháng qua.
Vì tầng hầm là phần âm dưới đất, là công trình xây dựng kín nên khi thi công luôn có người giám sát, lập từng bản nhật ký xây dựng, đây là nguyên tắc nên không thể nói không biết được.
Về mặt quản lý nhà nước, khi có vi phạm xây dựng, Sở Xây dựng phải ra quyết định xử lý, yêu cầu chủ công trình khắc phục ngay hậu quả, cho lấp ngay những tầng hầm đào lố giấy phép xây dựng mà anh đã cấp, vì Sở Xây dựng được giao thẩm quyền này. Nếu cho rằng không thuộc thẩm quyền của mình thì Sở Xây dựng phải trình UBND TP xử lý chứ không thể làm thinh trước một sự việc nghiêm trọng như thế. Nếu sập các nhà xung quanh gây hậu quả thì Sở Xây dựng hoặc UBND TP chịu trách nhiệm chứ không thể “lôi” công an vào đây. Bởi lẽ công an đã khởi tố vụ án đâu mà bảo họ chịu trách nhiệm?
Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người Nghèo:
Sở nên hiểu: Cứu nguy như cứu hỏa!
Việc công trình Pacific vi phạm xây dựng làm sập tòa nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã có dấu hiệu tội phạm. Công an, VKS cần vào cuộc.
Tuy nhiên, trước mắt cơ quan hành chính (cụ thể là Sở Xây dựng) cần ra ngay quyết định buộc chủ đầu tư cao ốc Pacific lấp các tầng hầm đào lố. Nếu để nguyên xi như hiện nay thì có khả năng làm sập tiếp các công trình xung quanh, lúc đó Sở Xây dựng và chủ đầu tư phải “gánh”. Sở không thể lấy lý do công trình vi phạm là chứng cứ điều tra của vụ án hình sự mà không chịu xử lý gì trong khi nguy cơ là làm sập các công trình xung quanh tốn tại hàng ngày. Việc này cũng tương tự như cháy nhà, anh không thể chờ công an đến điều tra nguyên nhân cháy rồi mới dập lửa. Phải dập lửa trước, sau đó mới tìm nguyên nhân. Sở Xây dựng phải cho lấp ngay, khắc phục ngay và tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân. Sau đó, nếu cho rằng việc vi phạm là hình sự thì chuyển hồ sơ cho công an, nếu là hành chính thì xử phạt hành chính.
Nếu Sở Xây dựng nhận thức rằng đây là sự việc hành chính mà không chuyển hồ sơ cho công an xử lý nhưng sự việc thực chất là hình sự thì cơ quan chức năng sẽ kiểm điểm trách nhiệm của sở này, thậm chí xử lý hình sự họ. Đến nay công an chưa khởi tố vụ án là lỗi của công an. Sở Xây dựng không thể lấy lý do đó mà “đá trái bóng” sang công an.