Xử lý nhà trái phép: Phân vân nhưng phải làm theo luật

Cập nhật 13/01/2009 08:10

Có quận e dè hơn trong việc linh động cho qua những trường hợp xây dựng sai phép nhỏ trong nội thất căn nhà.

Như đã thông tin, UBND TP.HCM vừa chấp thuận kiến nghị của Sở Xây dựng về việc xử lý nhà xây trái phép sau ngày 1-7-2004 theo hướng trong thời gian chờ sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, nhà không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực) chỉ được cấp “giấy hồng” với điều kiện đã xử lý vi phạm xây dựng và chủ đầu tư công trình đã chấp hành quyết định xử lý này.

Trước bỏ qua, giờ phải cân nhắc


“Trước đây, quận Tân Phú chưa phạt trường hợp nào xây dựng nhỏ hơn giấy phép hoặc thay đổi bố cục bên trong căn nhà. Tuy nhiên, đọc báo mấy ngày qua và nhất là ý kiến của chánh thanh tra Sở Xây dựng phân tích các văn bản pháp luật thì thấy khá phân vân. Luật chỉ quy định chung chung nên nếu hiểu sai phép nào cũng bị xử lý thì cũng đúng. Bỏ qua trường hợp này, xử phạt trường hợp kia là do tự linh động mà thôi” - ông Lâm Quang Thơ, Chánh thanh tra xây dựng quận Tân Phú, băn khoăn.

Trong khi đó, quận 12 lại kiên quyết tuân thủ đúng pháp luật về xử lý vi phạm trong xây dựng. “Thay đổi vị trí cầu thang, phòng ốc, kiểu dáng ban công..., nói chung làm khác giấy phép xây dựng (GPXD) thì đều là xây dựng sai phép. Chủ nhà phải điều chỉnh giấy phép trước khi thay đổi. Nếu không điều chỉnh mà xây luôn thì buộc lòng quận phải xử lý theo quy định. Nếu không xử lý trước thì khi đăng bộ cho căn nhà, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cũng chuyển qua cơ quan Thanh tra xây dựng, xử lý xong thì hồ sơ mới được giải quyết. Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn sai phép như thế nào thì không phạt nên quận phải căn cứ theo luật” - ông Lê Tấn Tài, Chánh thanh tra xây dựng quận 12, cho biết.

Không nhất nhất nhìn vào giấy phép

Theo Chánh thanh tra Xây dựng quận 4, ông Ngô Anh Phát, nếu chỉ căng theo GPXD thì quá cứng nhắc. Ông cho biết quận 4 vẫn sẽ không rập khuôn nguyên tắc mà linh động như trước nay.

“Quan trọng là tuân thủ quy chuẩn chứ không phải nhất nhất nhìn vào giấy phép” - ông Phát nói. “Đối với những trường hợp xây lố diện tích nhưng không vi phạm quy hoạch, quy chuẩn thì cũng không phạt. Nhưng chúng tôi giải thích rõ với người dân nếu không điều chỉnh giấy phép thì không đăng bộ được, lúc đó họ sẽ bị thiệt hại về quyền lợi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn - Chánh thanh tra xây dựng quận Tân Bình cho rằng phải lấy GPXD ra làm thước đo để kiểm tra chủ đầu tư có vi phạm hay không, bởi GPXD là văn bản cụ thể hóa, được dựa vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn luật định. Những vi phạm đối với hạng mục có tiêu chuẩn, quy chuẩn, đặc biệt vi phạm về số tầng, chiều cao bị quận “soi” rất kỹ.

“Tuy nhiên, không phải vi phạm nào cũng phạt. Chẳng hạn thay đổi bên trong công trình như chuyển dịch vị trí cầu thang hay là diện tích phòng ốc trong giấy phép là 4 m2 nhưng chủ đầu tư xây 6 m2 thì chẳng sao, miễn nó không ảnh hưởng đến tổng diện tích sử dụng. Hoặc những trường hợp tuy xây lố GPXD nhưng không vi phạm quy hoạch, quy chuẩn, nếu xin điều chỉnh giấy phép là được ngay thì quận chưa xử lý mà yêu cầu chủ đầu tư đi điều chỉnh vì đây là sai phạm nhỏ. Khi nào chủ đầu tư không chịu điều chỉnh, vẫn xây sai giấy phép thì phải đình chỉ thi công, buộc thực hiện đúng giấy phép” - ông Tuấn cho biết thêm.

Ông Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN:

Quản quá kỹ: Khổ dân!


Việc quản lý quá kỹ về xây dựng bên trong nhà dân làm cho nhiều quy định trở nên bất khả thi và làm khổ người dân. Mà muốn làm được việc này thì quả là có “tài thánh” chứ chính quyền ôm sao nổi. Tôi rất phản đối việc này. Cần phải bỏ ngay cung cách quản lý kiểu đó.

Người dân muốn xây cầu thang trong nhà ở vị trí nào là quyền của họ. Trước họ định xây bên phải nhưng sau thấy phải chuyển sang bên trái mới hợp lý thì đó là quyền của họ, hà cớ gì phải xin phép chính quyền? Việc mọi thay đổi thiết kế đều phải xin phép sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Đấy là chưa kể việc quản lý đô thị hiện nay giống như là đọc chính tả cho kiến trúc sư chép lại, họ bị hạn chế khả năng sáng tạo.

Theo tôi, chính quyền chỉ nên quản lý về cơ bản như chiều cao, nền móng, mỹ quan..., tức là quản về vĩ mô.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN:

GPXD không nên quá chi tiết

Về nguyên tắc thì phải xây nhà theo đúng giấy phép. Tuy nhiên, nếu người dân xây sai phép thì cơ quan có thẩm quyền cần phải căn cứ vào từng trường hợp để xử lý. Trường hợp diện tích nhà dân xây rộng hơn GPXD nhưng phần dư ra đó là lấn chiếm đất công hoặc xâm phạm đến khoảng cách cần thiết dành cho việc trổ cửa sổ thì phải đập bỏ phần sai phép. Còn nếu người dân xây rộng hơn GPXD một chút nhưng trong phần đất của họ thì cũng không cần phải xử lý. Nhìn chung, nếu người dân xây sai GPXD nhưng phần sai đó nằm trong khuôn viên nhà, không ảnh hưởng đến ai thì cũng không cần phải xử lý phần sai đó.

GPXD cũng chỉ nên có một số nội dung cơ bản như vị trí, kích thước, cốt nền, chiều cao, màu sắc của căn nhà. Các nội dung cụ thể hơn không nên đưa vào trong GPXD. Các nhà quản lý cần thiết kế nội dung của GPXD sao cho vừa có giá trị pháp lý, vừa có giá trị thực hiện.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP