Thời gian qua, hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo ở một số tuyến phố mới mở của Hà Nội đã làm ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và gây bức xúc trong dư luận. Trao đổi về nguyên nhân tồn tại và các biện pháp xử lý đối với nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết:.
- Nguyên nhân tồn tại của nhà siêu mỏng, siêu méo là do phát sinh trong quá trình đô thị hóa, trong giải phóng mặt bằng (GPMB) để mở đường tại Hà Nội; do chủ công trình thiếu ý thức tuân thủ các quy định hiện hành (lô đất diện tích nhỏ hơn 15m2 và chiều rộng hoặc sâu nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng); do chính quyền các quận, phường chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm; do năng lực chuyên môn trong việc lập quy hoạch còn hạn chế, chưa có thiết kế đô thị; do cơ chế của Nhà nước chưa đầy đủ, chưa thích ứng với các trường hợp cụ thể; do năng lực còn yếu của chủ đầu tư khi được giao GPMB để mở đường.
* Vậy TP Hà Nội đã đề ra các giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?
- Ông Nguyễn Khắc Thọ: Đối với các lô đất còn lại sau khi GPMB mở đường có diện tích nhỏ hơn 15m2 thì thành phố không cho phép xây dựng kiên cố; tính toán thu hồi để phục vụ mục đích công cộng; khuyến khích các hộ liền kề chuyển nhượng cho nhau để hợp khối thành lô đất hợp lý. Nhưng hiện nay, việc thu hồi các lô đất kiểu trên không thể thực hiện được vì chưa biết huy động kinh phí để bù từ nguồn nào và ai là chủ đầu tư.
Và do chủ các lô đất này thường đưa ra giá quá cao nên các hộ liền kề không thể mua được. Vì thế, một số biện pháp chủ yếu mà thành phố đưa ra là phải triển khai thu hồi triệt để những diện tích còn lại sau GPMB không đáp ứng các yêu cầu về hình dạng, kích thước diện tích (có thể dẫn đến việc xây dựng các nhà siêu mỏng, siêu méo).
Chính quyền các quận chỉ đạo UBND các phường trên tuyến đường đi qua phải kiểm tra, rà soát diện tích đất, nhà hai bên đường, nếu diện tích nhỏ hơn 15m2 và có kích thước hình học không hợp lý, phải báo cáo quận trình thành phố ra quyết định thu hồi.
Để tránh các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyên đường mới mở, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, ngăn chặn ngay các trường hợp xây dựng không phép, trái phép, sai phép dọc hai bên đường. Đối với nhà sau khi giải tỏa, diện tích còn lại dưới 15m2 thì được cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà ở bán kiên cố; trường hợp diện tích quá nhỏ thì phải giải tỏa toàn bộ, giao cho địa phương dùng vào mục đích công cộng hoặc bán lại cho hộ tiếp giáp.
Tuy nhiên, việc quản lý "hậu" GPMB cần nhiều ban, ngành chuyên môn để thống nhất "chuẩn" về quy mô, chiều cao tối đa của công trình, cốt nền tầng 1 so với cốt cao độ vỉa hè. Tránh tình trạng như tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa mới mở, do không có cốt cao độ tại thực địa, chính quyền địa phương rất khó quản lý, thậm chí còn không dám khẳng định nhà nào xây đúng, nhà nào xây sai cốt.
Điều quan trọng, chính quyền địa phương không được để xảy ra tình trạng đua nhau xây nhà không phép như đã từng xảy ra trên nhiều tuyến phố mới mở ở Hà Nội.
>> Nhà siêu mỏng: “Xới” lên mới thấy khó
>> Thí điểm thu hồi đất nhỏ lẻ để chống nhà siêu mỏng
>> Khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng ở Hà Nội
>> Bế tắc với nhà siêu mỏng, siêu méo
>> Nghị trường 'sôi sục' vì nhà siêu mỏng
>> Nhà siêu mỏng trên tuyến đường tiền tỷ sẽ bị phá dỡ
Theo Việt Chiến - Thanh Niên