Xử lý nhà siêu mỏng ở Hà Nội: Những bước chậm nhưng chắc

Cập nhật 19/08/2015 14:17

Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nhiều dự án mở đường được triển khai thực hiện. Đi kèm với nó là việc xử lý những công trình “tàn dư” của những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” sau công tác GPMB. Để có cách nhìn trực quan hơn về công tác giải quyết các công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo”, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội về vấn đề trên.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội

* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” hiện nay chưa thực sự triệt để, bởi cứ mỗi tuyến đường mới hoàn thành là lại có hàng trăm ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” được mọc lên. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nhiều dự án mở đường được triển khai thực hiện như đường Vành đai 1, Vành đai 2, tuyến Kim Mã – Trần Phú, Nguyễn Văn Huyên, Thanh Nhàn... Dự án mở đường đi qua các khu vực dân cư với mật độ công trình lớn, quy mô các nhà dân chủ yếu thấp tầng diện tích nhỏ. Do đó việc triển khai GPMB thu hồi đất thực hiện dự án theo chỉ giới sẽ cắt xén qua các nhà dân để lại các công trình, thửa đất nằm ngoài chỉ giới không đủ điều kiện về mặt xây dựng, có hình thù bất hợp lý (mà người ta quen gọi là công trình siêu mỏng, siêu méo).

Bên cạnh đó, các công trình có diện tích nhỏ (< 15m2) thuộc lớp 2 không nằm trong GPMB xuất hiện khi thực hiện dự án mở đường, những trường hợp này làm mất mỹ quan đô thị cần phải xử lý theo quy định của Quyết định 15/2011/ QĐ-UBND ngày 06/5/2011 của UBND thành phố. Đó là nguyên nhân xuất hiện các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng và là điều không tránh khỏi khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch.

* Vậy chúng ta có giải pháp như thế nào để giải quyết triệt để những nhà “siêu mỏng, siêu méo” này thưa ông?

Thực tế hiện này đang tồn tại một số công trình có diện tích, hình thù không phù hợp từ trước khi hình thành tuyến đường (nhà lớp trong, trong ngõ). Nhiều công trình được hình thành, nhân dân đã ăn ở ổn định trước ngày 15/3/2005 (thời điểm Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ có hiệu lực).

Quy trình thủ tục thu hồi, hợp thửa, cấp giấy chứng nhận, công chứng hợp đồng mua bán diện tích nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng chưa được các bộ ngành trung ương hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó bản thân các chủ hộ nhà, đất “ siêu mỏng, siêu méo” là đối tượng đã bị GPMB cũng gặp nhiều khó khăn. Cộng với ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân chưa cao, nhiều trường hợp đối phó, cố tình vi phạm. Việc vận động người dân tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối thực tế gặp khó khăn do giá trị đất tăng lên gấp nhiều lần, các hộ không thống nhất được với nhau.

Ngoài ra cũng phải kể đến một số nguyên nhân chủ quan là một số địa phương nhận thức về chủ trương xử lý các trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo còn hạn chế, do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền chưa được quan tâm đúng mức. Việc triển khai thực hiện chưa quyết liệt thiếu chủ động, đề ra các giải pháp phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, lúng túng và có tư tưởng trông chờ coi đó là trách nhiệm của thành phố. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả xử lý đạt thấp, chậm tiến độ.

Khi có khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời báo cáo UBND Thành phố giải quyết hoặc các Sở, Ngành để hướng dẫn. Cơ chế phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn còn bị động, chưa chủ động tham mưu cho Lãnh đạo quận xây dựng các quy chế để quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở, đặc biệt là việc thu hồi đất ngoài chỉ giới, hợp thửa, hợp khối theo Quyết định 15/2011/QĐ-UBND ngày 06/5/2011 của UBND thành phố.

UBND các quận, huyện chưa thực hiện việc lập, phê duyệt Quy chế quản lý, thiết kế kiến trúc đô thị những tuyến đường có lộ giới dưới 12m do đó chưa có phương án xử lý đồng bộ các diện tích nhà, đất siêu mỏng, siêu méo với thu hồi đất thực hiện dự án mở đường.

Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành để thực hiện việc xử lý nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" về cơ bản đã đủ điều kiện để các quận, huyện tổ chức thực hiện. Tuy nhiên các quận, huyện chưa chủ động lập kế hoạch, tiến độ thời gian xử lý cụ thể, chưa nghiêm túc, quyết liệt trong việc thực hiện. Trách nhiệm chính thuộc về UBND các quận, huyện nơi có công trình, thửa đất không đủ điều kiện xây dựng (siêu mỏng, siêu méo).

Trường hợp các thửa đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, sau khi lên phương án thu hồi, UBND quận và chủ đầu tư xây dựng tuyến đường chưa phối hợp chặt chẽ cũng như chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng. Các quận huyện vẫn chủ yếu tiếp tục ưu tiên việc tuyên truyền, vận động chủ sử dụng đất thực hiện hợp thửa đất, hợp khối công trình. Chưa chủ động tích cực triển khai phương án thu hồi đất theo đúng quy định tại Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 06/5/2011; Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 của UBND thành phố.

* Đối với các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” mới phát sinh, Sở Xây dựng có giải pháp gì để xử lý các trường hợp này thưa ông?

Đối với các trường hợp tồn đọng là 174 trường hợp, đến nay UBND quận Đống Đa đã giải quyết thêm được 8 trường hợp còn 166 trường hợp tiếp tục xử lý. Các trường hợp còn lại chủ yếu nằm ngoài chỉ giới GPMB thực hiện xây dựng 8 tuyến phố chính của thành phố hoàn thành đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước như: phố Kim Mã, Lạc Long Quân, tuyến phố Văn Cao-Liễu Giai-Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Thụy Khuê, Minh Khai-Vĩnh Tuy, tuyến phố Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6, đường Chiến Thắng... các hộ dân đã ăn ở, kinh doanh ổn định từ nhiều năm nay.

Để đẩy nhanh tiếp độ xử lý công trình "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại cũ theo chỉ đạo của UBND thành phố, năm 2014, Sở Xây dựng đã tiếp tục phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường đôn đốc UBND các quận, huyện trong việc xử lý các công trình siêu mỏng, siêu méo. Đồng thời kiểm tra hiện trạng, rà soát quá trình hình thành và sử dụng đất của 166 trường hợp còn tồn đọng. Trên ý kiến đề xuất của quận, huyện và văn bản hướng dẫn mới được ban hành của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về quản lý quy hoạch kiến trúc tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, tuyến Kim Mã - Trần Phú... rà soát, dự kiến phương án xử lý cụ thể đến từng nhóm đối tượng nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo”.

Căn cứ các quy định của pháp luật, các văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng tổng hợp, lên phương án báo cáo tổ công tác liên ngành của UBND thành phố trong tháng 8/2015 theo hướng: Chỉnh trang giữ nguyên trạng; cải tạo chỉnh trang hợp thửa, hợp khối kiến trúc; thu hồi các thửa đất sau cắt xén diện tích <4 m2, công trình không đủ điều kiện về mặt bằng, hình dáng kiến trúc cần thu hồi phục vụ mục đích công cộng (mở rộng lối đi, phù hợp làm bảng tin, trạm ATM, trạm tuần tra..).

Đối với các trường hợp phát sinh mới 442 trường hợp, để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, cấp phép, trật tự xây dựng và “siêu mỏng, siêu méo” trên hai bên tuyến đường mới mở, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5939/QĐ-UBND ngày 13/11/2014 thành lập Tổ công tác liên ngành do Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì. Sở Xây dựng – với vai trò là thành viên thường trực đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, rà soát, thống kê các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng trên các tuyến đường mới mở như: Kim Mã - Trần Phú; Vành đai 1; Vành đai 2 (thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng); đường Thanh Nhàn (thuộc địa bàn Hai Bà Trưng); đường Nguyễn Văn Huyên; đường Vành đai 2,5 làm cơ sở để thực hiện quản lý về quy hoạch, cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng và xử lý siêu mỏng, siêu méo.

* Xin cám ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng