Xử lý khủng hoảng địa ốc: bỏ ngỏ đáp án

Cập nhật 13/10/2013 09:41

Hội thảo “Khủng hoảng, khôi phục và phát triển thị trường bất động sản-  kinh nghiệm của Mỹ, Thái Lan và bài học cho Việt Nam” do Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM và Hiệp hội BĐS Mỹ phối hợp tổ chức dường như còn để ngỏ câu hỏi: thị trường BĐS Việt Nam sẽ vượt qua khủng hoảng bằng cách nào?


Nói về sự phục hồi của thị trường BĐS Mỹ vài năm gần đây, sau cuộc khủng hoảng vào năm 2008, bà Shonee Henry, điều phối viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Hiệp hội BĐS Mỹ) cho biết: “Năm 2005, Mỹ bán 6,2 triệu căn nhà, thì đến năm2008 chỉ là 3,7 triệu căn.


Nhiều vấn đề được nêu, nhưng câu hỏi thị trường BĐS Việt Nam sẽ vượt qua khủng hoảng bằng cách nào vẫn còn bỏ ngỏ 

Mức giá bình quân 221.900 USD/căn vào năm 2006 sụt xuống còn 166.000 USD/căn vào năm 2008. Số tiền bị mất do giá hạ trên toàn nước Mỹ là 3.000 tỷ USD.

Niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất, thất nghiệp tăng 10% và số nhà bị tịch thu tăng lên đáng kể.

Trước tình cảnh đó, Mỹ đưa ra luật mới để bảo vệ người tiêu dùng.

Hiệp hội BĐS Mỹ tập trung theo dõi ảnh hưởng từ chính sách quốc gia, đồng thời nỗ lực tác động cho giá nhà hạ để nhiều người có thể mua nhà.

Bên cạnh đó, thay vì xây mới, thì chú trọng bán khối hàng tồn. Thị trường dần được cải thiện với 4,6 triệu căn nhà được bán ra năm 2012 và dự kiến, 5,1 triệu căn được tiêu thụ trong năm nay. Giá bán trung bình cũng tăng từ 177.000 USD/căn lên 195.000 USD/căn.

Có lẽ diễn biến của thị trường BĐS Mỹ có nhiều khác biệt so với thị trường Việt Nam, nên hầu như các chuyên gia chỉ đưa ra kinh nghiệm nhiều hơn là các lời khuyên. Hơn nữa, tại Việt Nam khi “bong bóng” trên thị trường BĐS bị vỡ thì hầu như không có công cụ nào có thể bảo vệ người tiêu dùng.

Giải pháp nào từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và cả giới truyền thông tạo niềm tin cho người mua nhà là câu hỏi mà ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nam Long đặt ra cho các diễn giả.

Ông Sopon PornchoKchai, Chủ tịch Cơ quan các vấn đề về BĐS của Thái Lan cho biết, các nhà đầu tư có uy tín về thương hiệu sẽ có nhiều khách hàng. Điểm mấu chốt là, phải xây dựng nhà có chất lượng, giao nhà đúng hạn và hợp đồng công bằng, tạo tình huống 2 bên cùng có lợi.

“Khi hài lòng, khách hàng sẽ truyền miệng cho nhau, thì sẽ có thêm nhiều người tìm hiểu và mua sản phẩm. Bên cạnh đó, cần phải thông tin chính xác, minh bạch về số lượng các căn hộ được bán và phải cập nhật liên tục về số liệu”, ông Sopon PornchoKchai nói và cho biết thêm, tại thời điểm thị trường BĐS trầm lắng, Thái Lan mở cửa cho người nước ngoài mua BĐS một cách dễ dàng. Lúc thị trường lên hoặc phát triển bình thường Thái Lan mới giới hạn đối với mỗi dự án BĐS chỉ được bán 49% cho người nước ngoài.

“Vì thế, để kích thích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam phải cho thấy, họ được gì từ việc mua BĐS”, ông Sopon PornchoKchai nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư