Xót xa “của chùa”

Cập nhật 21/07/2009 13:30

Khu đất “vàng” của Tổng công ty Hàng không VN tại góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu (Q.1) đã bỏ trống hơn mười năm qua - Ảnh: P.P.Huy

Được Nhà nước cho thuê đất với giá thấp, không ít doanh nghiệp đã tìm cách cho thuê lại để hưởng chênh lệch. Trong khi đó có những khu đất “vàng” lại bị bỏ hoang phế nhiều năm hoặc đem cho thuê làm bãi giữ xe...

Theo Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP.HCM, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đang cho thuê lại hơn 4.300m2 đất, Tổng công ty Gia cầm miền Nam cho thuê lại hơn 2.500m2, Tổng công ty Lương thực miền Nam cho thuê lại gần 1.000m2. Nhưng “nổi cộm” trong số các đơn vị này là Tổng công ty Thủy sản VN, đơn vị này đem đất công cho thuê lại hơn 9.500m2 đất.

Kiếm tiền tỉ

Nằm ở vị trí “vàng” trong số các khu đất “vàng” tại khu trung tâm TP, Tổng công ty Thủy sản VN (Seaprodex) đang quản lý, sử dụng mặt bằng rộng tại địa chỉ 2-4-6 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM. Đây cũng là tuyến đường có giá đất cao nhất TP hiện nay. Trên đất là tòa nhà bốn tầng lầu, bao quanh bởi ba mặt tiền đường Đồng Khởi, Tôn Đức Thắng, Ngô Đức Kế. Địa thế này khiến không ít doanh nghiệp săn lùng mặt bằng kinh doanh dòm ngó.

Cuối năm 1999, Seaprodex cho doanh nghiệp tư nhân Nhã Nam (Q.1) thuê mặt bằng tầng trệt để kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhà hàng với tổng diện tích 377m2 (gồm cả phía trước và phía sau), phần diện tích còn lại ở giữa thì Seaprodex giữ lại làm trụ sở.

Theo hợp đồng, giá cho thuê có hai loại: 11 USD/m2/tháng (phần diện tích phía sau) và 18 USD/m2/tháng (diện tích phía trước), hợp đồng cho thuê trong 10 năm. Tháng 10-2002, Seaprodex cho doanh nghiệp tư nhân Nhã Nam thuê thêm 448m2 ở lầu 1 với giá 9 USD/m2/tháng. Đồng thời kéo dài thêm thời gian cho thuê tới tháng 10-2012 thay vì đầu năm 2010 như hợp đồng ban đầu. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến đầu năm 2007, giá cho thuê tăng lên và mỗi tháng bên cho thuê thu được hơn 12.700 USD. Như vậy, trong vòng 13 năm phần diện tích cho thuê đem lại cho Seaprodex không dưới 30 tỉ đồng!

Tại địa chỉ 27 Nguyễn Đình Chiểu, trụ sở của Công ty Tem, thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT), có hai khu nhà hai tầng và năm tầng với tổng diện tích xây dựng hơn 1.400m2 nhưng hơn 388m2 đã được đơn vị quản lý cho thuê làm văn phòng và sàn giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, VNPT còn một địa chỉ khác cũng trên đường Nguyễn Đình Chiểu là văn phòng làm việc của Ban quản lý dự án khu vực 2 thuộc Công ty Viễn thông liên tỉnh nhưng đã “cắt” một phần cho một doanh nghiệp tư nhân thuê bán điện thoại.

Cho thuê đòi không được

 

Giá thuê đất quá thấp

Theo Sở TN-MT TP.HCM, một trong những nguyên nhân đất bị bỏ trống hoặc cho thuê lại là do giá nhà nước cho thuê đất quá thấp (20-40% giá thị trường), còn nặng tính bao cấp. Một số ngành nghề trước đây được xem là chủ lực của nền kinh tế nên các công ty này được giao nhiều mặt bằng để làm cơ sở kinh doanh và đến nay vẫn tiếp tục sử dụng, không ai muốn buông ra. Một số đơn vị đã cổ phần hóa, chỉ tính giá trị tài sản trên đất nhưng lại ngộ nhận đất cũng thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp nên tùy tiện cho thuê…

Nhà số 32/2 Trương Quốc Dung (số mới là 72, thuộc P.10, Q.Phú Nhuận) là nhà vắng chủ rộng hơn 700m2, Công ty May da Sài Gòn (viết tắt Công ty May SG) sử dụng nhà này từ năm 2001. Hai năm sau, UBND TP giao cho Công ty May SG làm tài sản cố định để cổ phần hóa. Sau đó Công ty May SG đã liên hệ Sở TN-MT TP.HCM xin được tiếp tục sử dụng cơ sở trên để làm văn phòng và xưởng may túi xách.

Nhưng chỉ hơn một tuần sau, Sở TN-MT còn chưa kịp có ý kiến thì công ty đã ký ngay hợp đồng cho Trường THPT dân lập Hồng Hà (viết tắt Trường Hồng Hà) thuê mặt bằng với giá 21 triệu đồng/tháng trong ba tháng đầu và 30 triệu đồng/tháng cho những tháng tiếp theo. Thời hạn thuê đất là mười năm tính từ tháng 11-2004. Hợp đồng thuê chỉ có hai bên ký kết với nhau, không có công chứng.

Theo bà Hà Thị Kim Sa - hiệu trưởng Trường Hồng Hà, khi trường tiến hành sửa chữa, cải tạo nhà thành trường học bị cơ quan chức năng phạt và đình chỉ thi công (vì sửa chữa không giấy phép) mới phát hiện Công ty May SG chưa có giấy chủ quyền mặt bằng cho thuê. Sau nhiều lần Công ty May SG hứa cung cấp giấy chủ quyền nhưng không có, Trường Hồng Hà đã ngưng trả tiền thuê. Trong khi Sở TN-MT đang xem xét việc xin sử dụng đất của Công ty May SG thì bất ngờ vào giữa năm 2006, sở nhận được công văn của Trường Hồng Hà xin được trực tiếp thuê mặt bằng này để làm trường học.

Cuối năm 2006, khi phát hiện việc cho thuê, Tổng công ty Dệt may Gia Định (đơn vị quản lý Công ty May SG) yêu cầu lấy lại mặt bằng để phục vụ việc sản xuất và Công ty May SG đã thông báo với Trường Hồng Hà lấy lại mặt bằng nhưng trường không trả, công ty phải khởi kiện đòi lại mặt bằng cho thuê. “TAND Q.Phú Nhuận đã mời các bên hòa giải nhưng bên thuê vẫn cương quyết không trả mặt bằng” - ông Trần Quang Minh, giám đốc Công ty May SG, cho biết.

Đất “vàng” làm bãi giữ xe

Chiếm hơn 50m mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai, xung quanh là hàng loạt cao ốc văn phòng cho thuê, nhà hàng, khách sạn… khu đất rộng hơn 3.200m2 tại địa chỉ 86 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) do Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 (viết tắt là Công ty May Sài Gòn 3, thuộc Tổng công ty Dệt may Gia Định) quản lý. Giám đốc một công ty thẩm định giá tại TP nhận định: với vị trí này, giá đất hiện nay không dưới 100 triệu đồng/m2. Thế nhưng tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP vừa qua, ông Phạm Hùng Cường - phó Ban đổi mới doanh nghiệp TP.HCM - cho biết hơn năm năm qua khu đất này đã dùng làm bãi giữ xe gắn máy và ôtô.

Từ khi xưởng may của Công ty May Sài Gòn 3 di dời, tại khu đất 86 Nguyễn Thị Minh Khai chỉ còn lại khung nhà năm tầng xám mốc, ngày một xập xệ. Xung quanh khu đất cây trứng cá mọc um tùm, phần sân trống và tầng một của khung nhà được làm bãi giữ xe. Thông tin cho biết có đơn vị đề xuất sử dụng khu đất này làm trung tâm thương mại nhưng chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận. Hàng trăm tỉ đồng đã bị “chôn” tại khu đất từ nhiều năm qua và chưa biết sẽ còn kéo dài đến bao lâu.

Bỏ hoang

Hiện nay tại Q.Bình Tân có ba địa chỉ bỏ trống với hơn 86.000m2, trong đó chỉ riêng khu đất của Tổng công ty Lương thực miền Nam chiếm gần 59.000m2. Khu đất này có chiều ngang dài hàng trăm mét chạy dọc mặt tiền đường Kinh Dương Vương, có hai cổng. Một cổng có bảo vệ canh gác nhưng cửa đóng kín mít, dường như không mở từ nhiều năm qua, rác đầy bít cả lối đi vào. Cổng còn lại mở thường xuyên và những người bán hàng luôn ra vào nơi này. 15 kiôt và một số nhà cửa trên khu đất cũng bị bỏ hoang từ nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, cho rằng với diện tích và vị trí như vậy, giá trị khu đất trên lên đến hàng ngàn tỉ đồng, vậy mà bỏ hoang từ nhiều năm qua…

Góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, Q.1 có một khu đất khá đẹp, rộng hơn 5.000m2 do Tổng công ty Hàng không VN quản lý, đã khởi công xây dựng khách sạn từ... 15 năm trước và hiện nay vẫn chưa hoàn thành, còn dở dang. Nơi đây đang là bãi giữ xe gắn máy, xe hơi. Còn khu nhà năm tầng dự kiến làm khách sạn vẫn chỉ là cái khung sườn đóng rêu mốc, xuống cấp, hoang phế…

Khu đất 23 Trần Quý Cáp, Q.Bình Thạnh do Tổng công ty Lương thực miền Nam đang quản lý thì đổ nát với những mảng tường cũ sứt mẻ, nham nhở. Mặc dù rộng hơn 3.000m2 nhưng chỉ sử dụng một phần diện tích nhỏ để làm cửa hàng lương thực của tổng công ty. Một phần sau kho thì cho một công ty thuê làm kho và điểm thu mua thủy hải sản. Phần lớn khu đất còn lại được dùng làm bãi giữ ôtô.

 

>>Kỳ 1: “Chùm khế ngọt...”

 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO