Mặc dù việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô mới còn là đề án, chưa được đưa ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, nhưng hơn một tháng nay, người dân của những vùng đất "Hà Nội tương lai" này đã xôn xao về thông tin trên. Ghi nhận của PV báo giới tại huyện Mê Linh.
Vượt qua cầu Thăng Long, qua những cánh đồng phì nhiêu của huyện Đông Anh, sau hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đã tới xã Tiền Phong, Mê Linh, Vĩnh Phúc - Địa bàn giáp ranh nhất với Hà Nội. Quang cảnh sinh hoạt nơi đây vẫn bình yên, không khác gì một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, nhưng nếu để ý sẽ thấy khá nhiều người chuyện trò, bàn tán xung quanh việc Mê Linh sắp về Hà Nội, thậm chí, có người còn khẳng định rằng, từ 1/7/2008 Mê Linh sẽ chính thức sáp nhập vào Hà Nội (!?). Và một trong những điều người ta nói tới nhiều nhất vẫn là chuyện quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB)…, hoặc chuyện giữ đất để đợi lên giá...
Mê Linh là huyện của Vĩnh Phúc thu hút nhiều khu CN.
Chị Nguyễn Thị Bình, thôn Gio Thượng, xã Tiền Phong, Mê Linh phấn khởi cho biết: Gia đình chị có gần 70 m2 đất thổ cư nằm sát mặt đường chính. Khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội thì con đường này sẽ được quy hoạch mở rộng. Chị Bình hy vọng nếu Nhà nước lấy đất, GPMB thì gia đình chị sẽ được đền bù với giá cao. "Mang tiếng là đất mặt đường, nhưng ở đây mở hàng kinh doanh chẳng ăn thua gì. Nếu Nhà nước đền bù cho nhà em được trên 1 tỷ đồng là em đi ngay. Em sẽ vào trong làng để mua đất khác rẻ hơn để làm nhà..." - Chị Bình thật thà tâm sự.
Cũng về vấn đề đền bù đất, ông Lê Văn Tấn, khu Chợ Yên, xã Tiền Phong (Mê Linh) cho biết: Nếu như một năm trước đây đất ruộng canh tác khi thu hồi, chuyển đổi mục đích chỉ được đền bù trên dưới 17 triệu đồng/sào ( bằng 360m2), thì nay đã có Công ty sẵn sàng cam kết trả tới 65 triệu đồng/ sào. " - Gia đình tôi có 1,5 sào ruộng thuộc khu đất dự án do Công ty Vĩnh Sơn lấy đất, và nếu được mức đền bù 65 triệu đồng/ sào thì tôi mới chấp nhận giao đất, vì chỉ trong nay mai là Mê Linh trở thành đất Hà Nội rồi..., - Ông Tấn vui vẻ nói".
Đất mặt đường có giá từ 16-17 triệu đồng/m2.
Trong vai những người tìm mua đất, chúng tôi đi theo một "cò" môi giới đất ở xã Tiền Phong. Anh ta dẫn chúng tôi đi xem 2 mảnh đất thổ cư (đang làm sổ đỏ) phía trong làng (cách mặt đường chính khoảng hơn 10m), và ra giá 7 triệu đồng/m2 (lấy sổ đỏ sau), trong khi trước đây hơn 1 tháng loại đất này chỉ chưa tới giá 3 triệuđồng/ m2.
Như để giải thích cho những thắc mắc của tôi về giá, anh ta giải thích: Từ khi có thông tin Mê Linh sắp về Hà Nội đất ở vùng giáp ranh này lên giá vùn vụt. Đất mặt đường lên tới 16 - 17 triệu đồng/m2 (tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 1 tháng) mà cũng không có để mua. Tâm lý dân địa phương còn đang nghe ngóng, chờ đợi, sợ hớ, không muốn bán ngay. Do vậy, mặc dù đất Mê Linh rộng mênh mang, nhưng cũng không có nhiều người rao bán.
Ngay như đất dự án trong khu đô thị (quy mô hơn 40ha) của Cty Cổ phần Hà Phong trước đây giá đăng ký chỉ có 2,8 triệu đ/m2, nay (mặc dù khu dự án này vẫn chưa thành hình) người ta cũng đã rao bán lại với giá tới 7 triệu đồng/m2... Đưa cho tôi địa chỉ và số ĐT di động, anh chàng “cò đất” không quên dặn thêm: “Bác cứ về suy nghĩ kỹ đi, khi nào quyết định thì gọi cho em, đừng để cuối năm, khi Mê Linh đã thành Hà Nội rồi thì mất cơ hội đấy…”.
Ruộng rau trong làng (diện tích 233 m2) này được rao bán với giá 7 triệu đồng/m2.
Huyện Mê Linh được thành lập năm 1977, trên cơ sở hợp nhất 2 huyện Bình Xuyên và Yên Lãng. Một năm sau, ngày 29/12/1978 Mê Linh được sáp nhập vào Hà Nội. Đến ngày 17/2/1979, sáp nhập thêm một số xã của huyện Sóc Sơn vào huyện Mê Linh, nâng tổng số đơn vị hành chính huyện Mê Linh lên thành 22 xã và 2 thị trấn là Xuân Hòa và Phúc Yên.
Đến tháng 7 năm 1991, Mê Linh tách khỏi Hà Nội và trở về tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi thành lập thị xã Phúc Yên, tách khỏi huyện Mê Linh (năm 2004), thị trấn Xuân Hòa trở thành một phường của thị xã Phúc Yên, thì huyện Mê Linh chỉ còn lại 17 xã.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, cơ cấu kinh tế của huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) là đô thị sinh thái, với 6.000 ha đất dành cho nông nghiệp và đô thị, 9.000 ha dành cho phát triển nông nghiệp sinh thái. Do vậy, hướng của tỉnh là sẽ chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp của huyện Mê Linh lên Bình Xuyên và Vĩnh Yên.
Theo Hà Nội Mới