Xôn xao những vùng đất "Hà Nội tương lai": Kỳ 2: Ở hai vùng đất Hòa Bình và Hà Tây

Cập nhật 24/03/2008 11:00

Cũng như ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) thông tin về quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đã làm xôn xao dư luận ở một số nơi thuộc 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Hầu hết người dân đều phấn khởi và hy vọng một cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, không phải ở đâu giá đất cũng tăng ào ào như người ta đồn thổi.

Bốn xã huyện Lương Sơn "mừng rơn" vì sắp về Hà Nội


Huyện Lương Sơn cách Hà Nội khoảng hơn 35km đi theo đường Láng - Hoà Lạc. Với lợi thế có nhiều khu du lịch thiên nhiên, 4 xã của Lương Sơn gồm Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (có tên trong danh sách được nhập về Hà Nội) có vẻ phát triển hơn so với mặt bằng phát triển chung của toàn huyện. Dọc theo tuyến đường lên huyện Lương Sơn (Hòa Bình) khoảng hơn một tháng nay bỗng xuất hiện khá nhiều biển bán và thông tin về nhà, đất. Những người tìm tới những nơi này giao dịch chủ yếu là từ Hà Nội và các địa phương khác. Thông tin về 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sắp về Hà Nội đang có phần làm "nóng" thị trường BĐS khu vực này...

Khi chúng tôi hỏi thông tin về đất mặt đường nằm trên địa phận xã Yên Bình, người dân địa phương cho biết: Cách đây hai năm, giá một mét dài (đất ở Lương Sơn được tính theo sào, ha, hoặc số mét dài mặt đường, chứ không đo theo mét vuông như ở Hà Nội) tại mặt đường này là 20 triệu đồng.

Từ khi có thông tin về việc sát nhập với Hà Nội, không ai bảo ai, mọi "chủ đất" đều tự tăng giá, và hiện tại bây giờ một mét dài mặt đường đang được "quát" tới 65 triệu đồng/m, nhưng người mua thực không có mấy. Tại thị trấn Lương Sơn (nơi giáp ranh giữa Hòa Bình và Hà Tây) giá đất cũng đang ở mức cao. Nghe đâu, giá đất mặt đường QL.6, chạy qua thị trấn Lương sơn hiện đã có giá trên 120 triệu đồng/mét dài. Tuy nhiên, nhiều gia đình có đất cũng chưa vội bán ngay mà giữ lại chờ tăng giá...

Thông tin về 4 xã của tỉnh Hòa Bình sắp sáp nhập vào Hà Nội đã làm cho cuộc sống của người dân nơi đây trở nên sôi động hơn. Ai ai cũng tỏ ra mừng rỡ. Việc bỗng nhiên được trở thành “người dân Thủ đô” đối với những người dân tộc ở Lương Sơn quả thực là một niềm vui bất ngờ.

Không ít người hồi hộp hy vọng được thay đổi cuộc sống hiện tại. Chị Lương Thị Mến (dân tộc Tày, xã Yên Bình) vui mừng cho biết: “Chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa xuống các thôn ở đây. Mong muốn có nhiều nhà máy công nghiệp được thành lập để giải quyết công ăn việc làm cho số đông lao động trong xóm....” Còn một cụ ông đã ngoài 70, sống tại xóm Đức - xã Yên Bình, không giấu nổi niềm vui: " Tôi không biết những người khác như thế nào nhưng tôi rất hồi hộp chờ đến ngày Yên Bình được sát nhập vào Thủ đô...”



Đất ruộng ven đường QL.6 ở BaLa (Hà Đông) cũng
không tăng giá so với trước Tết.


Đất Hà Đông không sốt như những lời đồn thổi

Không hẳn như những tin đồn thổi về giá đất ở Hà Tây tăng ào ạt, cũng như người nông dân tranh thủ thời cơ bán đất canh tác tràn lan, khi có thông tin toàn bộ tỉnh Hà Tây sẽ được sáp nhập về Hà Nội. Tại Quốc lộ 6, đoạn Ba La thuộc Hà Đông, theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù khá nhiều người đã biết chuyện địa giới hành chính của Hà Nội sẽ mở rộng ra toàn bộ tỉnh Hà Tây, nhưng những giao dịch về BĐS ở đây không có mấy đột biến.

Theo thông tin của một Văn phòng môi giới BĐS, giá đất tại các dự án Văn Phú, Văn Khê... không có gì biến động so với thời điểm trước Tết, và chuyện người Hà Nội đang ùn ùn đổ xô lên địa bàn Hà Tây mua đất là không chính xác (!?).

Bác Nguyễn Xuân Thành, 58 tuổi, người nhiều năm sống ở BaLa (Hà Đông), cho biết: Chuyện người Hà Tây sắp về Hà Nội thì nhiều người biết, và đang là vấn đề thời sự để người dân địa phương bàn tán. Tuy nhiên, giá đất ở khu vực BaLa hiện cũng không tăng đáng kể so với trước Tết (đất thổ cư chỉ dao động khoảng 3 - 4 triệu đồng/m2).

Còn theo ông Đặng Đình Hồng, Xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Tây), thì giá đất ở các vùng nông thôn của Hà Tây vẫn còn rất rẻ. Đơn cử như đất thổ cư (trong làng ở Quảng Bị) chỉ khoảng trên, dưới 1 triệu đồng/m2 (tùy theo từng vị trí). Theo ông Hồng, việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính lên Hà Tây không ảnh hưởng mấy tới giá cả BĐS, cũng như cuộc sống của người dân Chương Mỹ...



Một dự án được thi công ở Hà Tây. Ảnh: Trí Dũng.

Tuy nhiên, cũng ở Hà Tây, nhưng giá đất ở một số vị trí "đắc địa" phía Tây Hà Nội, lại tăng nhanh. Anh Ngô Đình Giáp, thôn Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất (Hà Tây) cho biết: Dọc theo đường Láng - Hòa Lạc lên Phùng Xá, Thạch Thất (cách HN khoảng 20 km) giá đất thời gian qua đã tăng đáng kể. Ở làng của anh mỗi sào đất canh tác (360m2) được cho phép chuyển đổi thành 90m2 đất dịch vụ.

Với diện tích này người dân có thể chuyển nhượng với giá gần 200 triệu đồng, trong khi cách đây hơn 1 năm, một sào đất canh tác chỉ chuyển nhượng được khoảng 50 triệu đồng. Hoặc đất thổ cư (có bìa đỏ) ở sát mặt đường quốc lộ 80 nay có thể bán được giá 10 triệu đồng/m2, trong khi trước đây (chưa có thông tin Hà Tây về Hà Nội) thì chỉ bán được gần 4 triệu/m2. Đất của dự án đấu giá tại Phú Lãm (chưa san nền) cũng lên tới gần 10 triệu/m2 . Còn theo anh Trần Xuân Bính (người thị xã Hà Đông), trước Tết Mậu Tý anh mua gần 60 m2 đất ở Ỷ La, Dương Nội (Hà Đông) với giá 5 triệu/m2, bây giờ đã có người trả anh tới 8 triệu/m2. Đất ở phường Nghĩa Lộ, Yên Nghĩa (Hà Đông) cũng đang tăng thêm trung bình từ 1,5 đến 2 triệu/m2...

Theo Hà Nội Mới