Xóa địa hạt công chứng: Người dân có thể tra cứu dữ liệu nhà đất trên mạng

Cập nhật 01/08/2007 10:00

Từ ngày 30-7, đồng loạt 6 Phòng Công chứng (PCC) trên địa bàn TPHCM chính thức thực hiện việc xóa địa hạt công chứng. Đông đảo người dân phấn khởi vì từ nay họ có quyền lựa chọn nơi nào mà mình thích khi đi công chứng các giao dịch, hợp đồng (GD, HĐ) về bất động sản…

Người dân được hưởng lợi

Chị Nguyễn Thị Tố Uyên (ngụ tại đường Khuông Việt, P. Phú Trung, Q. Tân Phú) lần đầu tiên đến PCC số 4 để công chứng giấy tờ bán nhà, cho biết: “Nghe nói đi công chứng cực lắm vì phải chen lấn, chờ đợi vất vả, nhưng hôm nay tôi đến đây công chứng thấy không đến nỗi nào. Có lẽ do tôi gặp may vì ngày đầu tiên TP thực hiện việc xóa địa hạt…”.

Thật vậy, mặc dù sáng thứ hai đầu tuần nhưng PCC số 4 không đông khách như những ngày trước. Theo ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng PCC số 4: “Khách hàng chờ làm thủ tục trật tự hơn là do việc chứng thực chữ ký, bản sao song ngữ đã phân cấp về các quận-huyện, phường-xã…”.

Tại PCC số 1, lượng người vẫn đông đúc như mọi ngày, ông Phan Văn Cheo, Trưởng PCC số 1 cho biết: “Vì PCC số 1 tọa lạc ngay trung tâm TP, gần nhiều ngân hàng, khu thương mại nên nhiều người lựa chọn đến đây công chứng các HĐ, GD cho gần gũi, thuận tiện…” .

Tại PCC số 2, đa số người dân vẫn đi “đúng tuyến”. Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP, nhận xét: “Xóa bỏ địa hạt là đem lại thuận tiện cho người dân, như thế sẽ góp phần xóa “độc quyền” trong công chứng, xã hội hóa công chứng, góp phần thay đổi thái độ làm việc của nhân viên, từng bước giảm bớt những thủ tục hành chính phiền hà, giúp dân có thêm nhiều cơ hội lựa chọn mỗi khi đi công chứng…”.

Ông Hoàng Thanh, nhân viên ngân hàng phấn khởi: “Xóa địa hạt công chứng không những thuận tiện cho dân mà còn cho các ngân hàng khi nhận thế chấp nhà đất ở các quận, huyện xa. Tuy nhiên, cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trên mạng cho bảo đảm an toàn để ngăn chặn tình trạng một tài sản thế chấp tại nhiều phòng công chứng khác nhau sẽ dẫn đến nhưng hậu quả không hay…”.

Cách làm mới hay hơn

Ông Mai Đức Chính, Giám đốc Sở Tư Pháp TPHCM cho biết: “Để phục vụ cho việc xóa địa hạt, Sở Tư pháp đã tập trung củng cố hệ thống thông tin về tài sản bị ngăn chặn ở các PCC. Theo đó tập hợp các thông tin về ngăn chặn, phong tỏa… từ các PCC và UBND các huyện ngoại thành vào kho chung để các công chứng viên (CCV) có thể tra cứu; cập nhật các thông tin về giao dịch nhà đất tại các xã; hòa mạng với các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm để hình thành thông tin về lý lịch bất động sản phục vụ chung cho việc đăng ký và công chứng.

Việc xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung trên mạng Sở Tư pháp giao cho PCC số 1 cùng với chuyên viên chủ trì thực hiện từ trang bị máy móc, đường truyền, đến thuê ADSL…”.

Qua ngày đầu thực hiện công chứng trên cơ sở dữ liệu dùng chung, ông Phan Văn Cheo, cho rằng, lúc đầu khó tránh khỏi trục trặc do cơ sở dữ liệu dùng chung trên mạng, vừa phải cập nhật kịp thời nhiều số liệu thông tin ngăn chặn từ 24 quận huyện “đổ về”; vừa phải đáp ứng yêu cầu truy cập cùng lúc của tất cả các PCC. Do vậy các công chứng viên phải rà soát cả danh sách mới lẫn danh sách cũ để công chứng chính xác, đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân…”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc dùng dữ liệu chung có thuận lợi hay khó khăn gì, ông Phan Văn Cheo cho biết: “Hay hơn cách làm cũ vì dễ tìm hơn, chỉ cần tra cứu vào máy vi tính dữ liệu về: số thửa, bản đồ, số nhà, tên đường, phường, quận của bất động sản cần công chứng. Sau đó click vào phần “tìm” thì mọi thông tin sẽ hiện ra trên máy, giúp CCV nhanh chóng loại trừ các trường hợp đã công chứng hoặc công chứng trùng nhau, đồng thời cập nhật kịp thời các thông tin ngăn chặn mới báo về…”.

Hơn thế, dùng cơ sở dữ liệu dùng chung trên mạng, từ nay người dân có thể tự vào website của Sở Tư pháp TPHCM để truy cập các thông tin về căn nhà hay miếng đất mà mình định mua xem có “vướng” quy hoạch không, chủ nhân đã bán cho ai chưa, có tranh chấp, kê biên gì không… để yên tâm mua bán, giao dịch mà không phải chạy lên phường, quận hỏi như trước nữa (tất nhiên, chỉ có thể truy cập chứ không thể xóa các thông tin trên dữ liệu).

Theo ông Cheo, để bảo vệ an toàn pháp lý cho cơ sở dữ liệu dùng chung trên mạng, Sở Tư pháp phải chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, nhanh chóng phát hiện và loại trừ những tài sản đã được công chứng ở nơi khác; hàng ngày cập nhật kịp thời những phát sinh ngăn chặn mới của các cơ quan tố tụng như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, UBND quận, huyện…

Theo Minh Ngọc - Sài Gòn Giải Phóng