"Xí phần" bãi biển

Cập nhật 02/10/2008 01:00

Hàng chục dự án khu nghỉ dưỡng dọc theo bãi biển Đà Nẵng vẫn chỉ là những bản vẽ trên giấy do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính hoặc nhận đất chỉ với mục đích đầu cơ.

Dải bờ biển dài hàng chục km kéo dài từ bán đảo Sơn Trà đến Nam Non Nước đã được phủ kín bởi những dự án du lịch. Cơ hội cho nhà đầu tư đến sau hầu như không còn, nếu họ không chịu mua lại dự án hoặc liên doanh với các chủ đầu tư hiện có.

Hoàn tất phân lô

Kể từ khi con đường ven biển từ Sơn Trà chạy thẳng đến Hội An được đưa vào sử dụng, những bãi cát trắng mịn dọc theo con đường này trở thành những “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư.

Dù Đà Nẵng đã loại các dự án nhỏ bằng cách yêu cầu các dự án phải rộng ít nhất 3ha, hoặc có khu vực ít nhất 5ha, nhưng các nhà đầu tư cũng không ngần ngại đăng ký những dự án lớn có tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Tấm bản đồ quy hoạch khớp nối vệt du lịch ven biển tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc của Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng đã ken đặc bởi 23 dự án xây dựng khu du lịch kéo dài từ khách sạn Furama đến địa phận tỉnh Quảng Nam.

Những dự án cỡ nhỏ và trung bình có Eden (28ha), Olalani (7ha), Shilver Shores (20ha), Marble Mountain (20ha) hoặc Raffles (15ha). Lớn nhất là Khu du lịch Hòa Hải của VinaCapital rộng tới 267ha. Mặc dù đến sau nhưng tập đoàn Sama Dubai cũng dành quyền phát triển khu du lịch rộng 39ha ngay cạnh dự án của VinaCapital.

Những khu vực trước đây được coi là bất khả xâm phạm như bán đảo Sơn Trà thì bây giờ cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của du lịch. Người dân và khách du lịch rồi đây sẽ không còn cơ hội thư giãn miễn phí trên những bãi biển nhỏ hẹp nhưng rất đẹp của bán đảo vì tất thảy đều đã được dành cho xây dựng các khu du lịch. Đã có 6 dự án khu nghỉ dưỡng được cấp phép trên bán đảo này với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nếu những dự án này triển khai đúng tiến độ thì đến năm 2016 Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 3.765 phòng khách sạn cao cấp, 1.300 biệt thự và 429 căn hộ nghỉ dưỡng.

Với số lượng lớn như vậy, không ít người lo ngại về nguy cơ khủng hoảng thừa. Nhưng cũng có không ít người không tỏ ra lo lắng với lý do: dự án nhiều nhưng triển khai chẳng được bao nhiêu.

Triển khai ì ạch

Dọc theo bãi biển Đà Nẵng, chỉ có duy nhất hai khu nghỉ dưỡng đang hoạt động là Furama và Sandy Beach. Không hiếm những bãi đất trống được xây tường bao cẩn thận chỉ để chống lấn chiếm mà không có máy móc xây dựng bên trong.

Thấy cảnh tượng đó, ai cũng sẽ phải đặt câu hỏi: liệu nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính để triển khai những dự án có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng hay chỉ đơn thuần nhận đất với mục đích đầu cơ để rồi sau đó bán lại?

Khu du lịch Bãi Bụt là một trong số rất nhiều dự án “án binh bất động”. Trên một bãi biển đẹp của bán đảo Sơn Trà, Công ty cổ phần Hải Duy đã vẽ ra những khách sạn, biệt thự cao cấp, khu vui chơi giải trí độc đáo với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Được khởi công vào giữa năm 2004 và giai đoạn đầu dự kiến đi vào hoạt động một năm sau đó, nhưng đến nay tất cả những gì mà khu du lịch này có là một vài khung nhà xây dựng dở dang, nham nhở. Những con đường nội bộ, những thảm hoa cũng ngày càng xuống cấp vì không được chăm sóc. Một nguồn tin cho biết, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên buộc phải mời các đối tác nước ngoài cùng tham gia nhưng vẫn chưa thành công.




Những trường hợp “xí phần” như Khu du lịch Bãi Bụt không phải là hiếm. Trên bán đảo Sơn Trà có 6 dự án du lịch lớn đã được cấp phép nhưng thực tế chỉ có duy nhất một dự án hoàn thành một phần là Sơn Trà Resort & Spa.

Dọc theo tuyến đường từ Sơn Trà đi Điện Ngọc, chỉ có lác đác vài dự án đang triển khai xây dựng như Olalani, Crowne Plaza, Hyatt Regency, và VinaCapital. Những dự án còn lại vẫn là những bãi đất trống trơn.

Ngay sát dự án Crowne Plaza đang triển khai rầm rộ là một bãi đất trống của dự án Hòn Ngọc Á Châu được rào lại cẩn thận bằng hàng rào thép với chòi canh như để khẳng định chủ quyền mà không có máy móc xây dựng nào bên trong. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các dự án của Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng-Sài Gòn hay Hoàng Anh Gia Lai.

Một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều dự án nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng không triển khai được hoặc triển khai chậm là do chủ đầu tư không thể vay vốn ngân hàng trong bối cảnh lãi suất cao, giá thành vật liệu xây dựng đã tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán suy giảm trong hơn một năm qua cũng khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu để huy động vốn đầu tư của một số dự án phải gác lại.

Đầu cơ dự án

Liệu có khả năng đầu cơ dự án dọc theo bãi biển Đà Nẵng? Theo một nhà tư vấn đầu tư, rất nhiều chủ đầu tư chỉ đơn thuần kiếm giấy phép, trả tiền thuê đất và rào mảnh đất được giao lại để đợi cơ hội bán lại. Giá đất dọc theo bãi biển này hiện dao động trong khoảng 150USD/m2 cho thời gian thuê 50 năm, nhưng có chủ đầu tư đòi giá tới 200-300USD/m2.

Thực tế cho thấy, đã có nhà đầu tư chỉ đơn thuần kiếm dự án để bán lại. Đơn cử, Khu du lịch Hòa Hải hiện nay do VinaCapital đầu tư nhưng trước đây thuộc về một công ty trong nước.

Không chỉ có nhà đầu tư trong nước mà ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia đầu cơ dự án. Năm 2004, Công ty Magnum Investment đăng ký tại Bahamas được trao giấy phép đầu tư với số vốn đăng ký là 12 triệu USD để thực hiện dự án Khu du lịch Vegas đối diện với núi Ngũ Hành Sơn.

Nhưng công ty này chỉ xây dựng được hai khung nhà biệt thự và hàng rào bao quanh dự án rồi dừng lại, mặc dù chính quyền Đà Nẵng đã nhiều lần dọa rút giấy phép. Mới đây, dự án được khởi động trở lại nhưng với chủ đầu tư mới là Kingdom Hotels Investment.

Mới đây, UBND Thành phố Đà Nẵng đã gửi “tối hậu thư” đến 10 dự án dọc theo đường Sơn Trà-Điện Ngọc, yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Nhưng các chủ đầu tư đều viện dẫn đủ thứ lý do cho sự chậm trễ của mình.

Nếu chính quyền Đà Nẵng không cương quyết rút giấy phép những dự án không triển khai, những khu nghỉ dưỡng sẽ vẫn chỉ là những bản vẽ hoành tráng trên giấy. Trong lúc đó, không ít nhà đầu tư đến sau đành ngậm ngùi đứng ngoài cuộc, dù có đủ năng lực tài chính.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân