Chiều 27-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về việc chuyển nhượng quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương do Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV làm chủ đầu tư.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý với chủ trương tạm tính giá chuyển giao quyền thu phí để trình Chính phủ quyết định, khi quyết toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp. Vấn đề vốn đầu tư được xác định theo cơ cấu 15% vốn nhà đầu tư, 85% vốn vay theo giá chuyển giao quyền thu phí.
Nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí đường bộ trên đường cao tốc và lập 1 trạm thu phí trên QL1A để tổ chức thu phí hoàn vốn, địa điểm lập trạm được tính toán để điều tiết lưu lượng xe giữa 2 tuyến một cách hợp lý. Mức phí được điều chỉnh 5 năm/lần, mỗi lần tăng 30% so với thời điểm trước đó trên cả 2 trạm. Các vấn đề thuế, lưu lượng xe, chi phí hoạt động đề án, sử dụng khu dịch vụ 2 bên đường… được phê duyệt theo căn cứ chủ đầu tư trình lên sau khi thống nhất ý kiến với các bộ liên quan.
Dự án đường ô tô cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có tổng chiều dài 61,9km, gồm 39,8km đường cao tốc loại A, 8 làn xe và 22,1km nối với QL 1A, có điểm đầu là Chợ Đệm (Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh) và điểm cuối là Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành - Tiền Giang). Tổng vốn đầu tư được điều chỉnh là 9.887 tỷ đồng với cơ cấu 15% vốn tự có, 85% vốn vay. Đường cao tốc đi vào hoạt động có khả năng bảo đảm vận tốc 120km/h, đi qua 15,8km cầu cạn, 5 nút giao liên thông, 8 nút giao bằng, 5 cầu vượt dân sinh, 10 hầm chui dân sinh và 41,85km đường gom.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới