Xây trên nền đất lún: Hà Nội có thể sẽ ngập nặng hơn

Cập nhật 12/11/2008 01:00

Dù được khảo sát trước khi xây dựng nhưng thực tế nhiều nhà cao tầng, khu đô thị mới ở Hà Nội vẫn đang mọc lên tại những vùng đất lún. Điều này khiến những khu đô thị mới này có thể ngày càng ngập nặng hơn.

TS Nguyễn Văn Đản - liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất thủy văn, địa chất công trình VN - cho biết năm 2007, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đã công bố kết quả quan trắc lún bề mặt đất của Hà Nội. Theo đó, trung bình Hà Nội mỗi năm lún vài chục milimet. Trong đó, lún nhiều nhất là những nơi đang được đầu tư xây dựng các khu đô thị mới như Thành Công lún nhanh nhất với 41,42mm/năm, Ngô Sĩ Liên 31,52mm/năm, Pháp Vân 22,16 mm/năm...

Hà Nội đang lún nhanh


Theo nghiên cứu về nền đất yếu của Hà Nội do các nhà khoa học thuộc Liên đoàn Địa chất thủy văn, địa chất công trình, khu vực bán đảo Linh Đàm và Thành Công có nguy cơ rất cao về sụt lún. Ngoài ra, TS Đỗ Minh Toàn, chủ nhiệm khoa địa chất Đại học Mỏ - địa chất Hà Nội, cho biết các khu vực có nền đất yếu được xếp vào dạng nguy cơ lún cao là: Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Nhàn, Việt Hưng, Mễ Trì, Mỹ Đình, bán đảo Linh Đàm... Đáng ngại là những khu vực có nguy cơ cao như vậy đang được chọn và nhiều nơi đã mọc lên các nhà cao tầng.

Trước tình trạng mật độ xây dựng lớn, công trình cao tầng đang mọc lên như nấm hiện nay, KS Lê Tứ Hải rất bức xúc: “Hiện tại người ta có quan tâm thì cũng chỉ thực hiện khảo sát địa chất ở những công trình đơn lẻ, còn tính tổng thể cả một khu các tòa nhà liền kề thì chưa có một nghiên cứu nào cụ thể. Với tốc độ xây dựng nhanh và dày đặc như hiện nay, chẳng cần nghiên cứu, đo đạc cũng dễ dàng nhận thấy đất Hà Nội đang lún nhanh hơn trước”.

Nguy cơ tăng do mật độ xây dựng dày đặc


Khảo sát của Liên đoàn Địa chất thủy văn, địa chất công trình miền Bắc cho thấy tại các điểm đất yếu, có độ lún cao, nhiều nơi đang bị khai thác nước ngầm với số lượng lớn. Dù có một bản đồ chi tiết phân vùng nền đất yếu ở Hà Nội và chỉ rõ khu vực có nguy cơ cao về sụt lún nhưng đáng buồn là các số liệu này gần như bị bỏ quên. Trong khi đó, KS Lê Tứ Hải cho biết một khoảng rỗng trong lòng đất đã hình thành và khả năng chịu lực, chịu tải trọng của nền đất rỗng này rất kém. Vì vậy, ngoài khả năng bị úng ngập khi mưa to còn có nguy cơ biến dạng, đổ vỡ tại các khu đô thị mới.

Dù có thể khắc phục được hiện tượng lún nhưng để làm đúng quy trình, theo KS Hải, cần phải có đầu tư rất lớn và có thể sẽ chiếm ít nhất 1/3 tổng mức đầu tư toàn bộ công trình. Do tốn kém lớn nên đã có chuyện nhà đầu tư bê nguyên tài liệu địa chất công trình liền kề áp dụng cho công trình đang thi công với lý do “cách nhau có vài chục mét, khảo sát làm gì cho mất công!”. “Đó là điều hết sức nguy hiểm”- TS Nguyễn Văn Đản khẳng định.

Về hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong ngành xây dựng, TS Đản cho biết chủ đầu tư hiện kiêm cả việc xây dựng và khảo sát địa chất. Thế nên số liệu địa chất công trình chuẩn hay không rất khó khẳng định và hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm và trách nhiệm của nhà đầu tư.

Khi đất thấp, lún thì dự án thoát nước lớn nhất của Hà Nội tiêu tốn khoảng 200 triệu USD lại có vấn đề. Theo TS Lê Quang Vinh - giám đốc Trung tâm KH và triển khai kỹ thuật thủy lợi (ĐH Thủy lợi), Hà Nội ngập là đương nhiên.

Cụ thể, trạm bơm Yên Sở chỉ được thiết kế với công suất giai đoạn 1 là 45m3/giây. Trong khi đó, lưu vực trạm này phụ trách tiêu nước 7.750ha. Như vậy, khả năng tiêu nước của trạm bơm này chỉ 5,8 lít/giây/ha. Điều này giải thích tại sao không còn mưa cả tuần nhưng nhiều khu vực tại Hà Nội vẫn chìm trong nước. Đến năm 2010, khi giai đoạn 2 của dự án này hoàn thành, hệ số tiêu mới tăng lên 11,6 lít/giây/ha. Theo TS Vinh, mức này cũng vẫn rất thấp bởi đối với đô thị, hệ số tiêu phải từ 15-20 lít/giây/ha mới đảm bảo tiêu thoát úng khi có mưa lớn.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ