Xây sai mẫu nhà vẫn được cấp giấy

Cập nhật 06/04/2013 07:34

Những dự án xây sai mẫu nhà nếu phù hợp quy hoạch thì được phép điều chỉnh để giải quyết cấp giấy cho dân.

“Hiện nhiều dự án nhà ở có tỉ lệ sai phạm về quy hoạch, mẫu nhà rất thấp nhưng toàn dự án vẫn bị “treo” giấy chứng nhận” - ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, phát biểu trong cuộc họp với UBND TP về tiến độ cấp giấy chứng nhận (ngày 5-4).

Được phép điều chỉnh mẫu nhà

Ông Liên dẫn chứng: Một trong những sai phạm phổ biến tại các dự án nhà ở là xây sai mẫu nhà. Sở dĩ như vậy là do mẫu nhà quy định không phù hợp thực tế. Sai phạm này đã được Bộ TN&MT tháo gỡ tại Công văn 2470/2012 (nếu đó không phải là lỗi của người dân thì vẫn xem xét cấp giấy). Tuy nhiên, hiện nhiều quận, huyện cứ thấy có vi phạm là “treo” luôn toàn bộ dự án.

Về việc cho phép điều chỉnh mẫu nhà, trước đây Sở QH-KT cũng đã có công văn hướng dẫn. Tuy nhiên, công văn này lại chia ra hai trường hợp: Nếu nhà xây trước ngày 1-7-2004 thì được phép điều chỉnh mẫu nhà cục bộ. Còn sau thời điểm này thì phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. “Để điều chỉnh được quy hoạch 1/500 thì phải mất rất nhiều thời gian. Do vậy đề nghị cho phép điều chỉnh mẫu nhà nếu phù hợp quy hoạch, không phá vỡ các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của khu vực” - ông Liên đề nghị.

Các dự án xây sai mẫu nhà nếu phù hợp quy hoạch, đảm bảo các yếu tố về không gian và hạ tầng thì cho phép điều chỉnh để giải quyết cấp giấy cho dân. Ảnh minh họa: HTD


Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, công tác quản lý quy hoạch chỉ nên quản lý về các chỉ tiêu quy hoạch, về không gian và hạ tầng, không nên can thiệp quá sâu vào nhà của dân. Ông Tín chỉ đạo: Các quận, huyện cần rà soát những dự án xây sai mẫu nhà, nếu phù hợp quy hoạch, đảm bảo các yếu tố như ông Liên đã nêu thì cho phép điều chỉnh để giải quyết cấp giấy cho dân.

Mua bán giấy tay, lấn chiếm đều được xem xét

Theo báo cáo của Sở TN&MT, trên địa bàn TP còn rất nhiều trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận do chuyển nhượng nhà bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2006. Cạnh đó là tình trạng người dân lấn chiếm hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở ổn định từ sau ngày 1-7-2004. Điển hình là hơn 1.000 trường hợp lấn chiếm tại huyện Củ Chi. Về việc này, TP thống nhất kiến nghị của Sở TN&MT sẽ giải quyết cấp giấy cho dân với từng trường hợp cụ thể.

Các quận, huyện 2, 7, Bình Tân, Bình Chánh cũng vướng khá nhiều trường hợp tương tự. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thời gian qua Sở đã hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp giấy cho những trường hợp này. Tuy nhiên, đến nay nhiều quận, huyện vẫn e ngại, không chịu thực hiện khiến người dân bức xúc khiếu kiện nhiều nơi (như các hộ dân ở xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh). Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở TN&MT áp dụng cách xử lý với các trường hợp ở Củ Chi để giải quyết cho những trường hợp lấn chiếm trên địa bàn TP.

Đối với các trường hợp mua bán giấy tay nêu trên, ông Nam kiến nghị nếu người dân đã ở ổn định, lâu dài và phù hợp quy hoạch thì cho phép cấp giấy. Người sử dụng nhà, đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chấp thuận giải pháp này và yêu cầu các địa phương giải quyết nhanh cho dân.

Đối với các dự án phát triển nhà ở, ông Tín chỉ đạo: Nếu người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư còn nợ tiền sử dụng đất thì phải cấp ngay giấy cho dân. Trường hợp người dân không đủ khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất thì cho ghi nợ, trên giấy chứng nhận phải ghi là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP