Xây nhà trong cụm, tuyến dân cư: Chờ thời hay để ở?

Cập nhật 29/10/2009 15:05

Xây nhà dở dang rồi bỏ tại cụm, tuyến dân cư xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng lũ nhằm giúp người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, từ đó sẽ dần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng Đồng Tháp Mười.

Riêng tỉnh Long An, đã có hàng trăm cụm, tuyến dân cư vùng lũ (CTDCVL) được xây dựng, hàng chục ngàn nền nhà sẵn sàng đón người dân vào ở. Thế nhưng, dù nước lũ đang ngập trắng đồng, người dân đã nhận nền vẫn không chịu cất nhà để vào ở trong CTDC. Nhiều người đã vay tiền cất nhà, nhưng bỏ hoang chứ không để ở.

Mua nền, không cất nhà

Tỉnh Long An bắt đầu triển khai chương trình này vào năm 2002 với 183 CTDCVL. Tổng diện tích đất cho chương trình hơn 900ha ở 9 huyện thuộc vùng ĐTM của tỉnh. Đến đầu năm 2009, đã có khoảng 26 ngàn hộ đăng ký nhận nền, đạt trên 70%; tiến hành giao nền khoảng 16 ngàn hộ; đã xây nhà khoảng 10.000 hộ... Như vậy tỉnh Long An đưa dân vào ở trong CTDCVL chỉ mới đạt tỉ lệ hơn 30%, thấp nhất trong các tỉnh ĐBSCL có thực hiện chương trình này.

Trên thực tế, tình hình còn bi quan hơn nhiều, khi mà nhiều hộ dân đăng ký hoặc mua nền không phải là người dân vùng lũ, không có nhu cầu tránh lũ, mà nhằm mua bán kiếm lời. Ngay cả nhiều người mua nền, vay tiền cất nhà xong, nhưng vẫn không vào ở.

Tại khu dân cư vượt lũ ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, thưa vắng người ở, cỏ mọc um tùm. Bà Phạm Thị Lùn, một cán bộ về hưu, cho biết: Hầu hết nền trong khu dân cư đã được bán hết, theo dạng mua trả chậm được Nhà nước hỗ trợ vốn.

Thế nhưng, chỉ có khoảng vài chục phần trăm vào cất nhà. Số còn lại, trong đó không ít người từ thị trấn Tân Thạnh vào, các xã huyện khác, thậm chí tỉnh khác đến mua, vẫn tiếp tục để nền cho cỏ mọc. Nhiều hộ đã bán nền sang tay dù chưa trả hết tiền cho Nhà nước.

CTDCVL xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, chỉ có tổng cộng 32 hộ vay vốn mỗi hộ 9 triệu đồng để cất nhà, sau khi được Nhà nước bán trả chậm mỗi nền nhà giá 10 triệu đồng. Hầu hết nền nhà còn lại cũng đã được mua hoặc đăng ký mua, nhưng không phải để cất nhà. Nhiều cụm dân cư đã tôn nền xong nhưng hầu như không có hộ dân nào vào ở...

Cất nhà không phải để ở

Chỉ cần đầu tư khoảng 20 triệu đồng (Nhà nước cho vay trả chậm 10 năm) là các gia đình nghèo vùng lũ ĐTM có được căn nhà an toàn để không còn lo âu mỗi khi mùa lũ đến. Thế nhưng, cuộc sống không chỉ cần “an toàn”, mà là cả cuộc mưu sinh. Nhiều hộ vào CTDC cất nhà, nhưng ở không quen, sinh hoạt tù túng, thế là họ lại bỏ nhà trở về ruộng.

Chị Bùi Thị Phấn, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hoá, chuyên sống bằng nghề làm mướn trên đồng ruộng, khi vào sống trong cụm dân cư thì bị “thất nghiệp”. Chị phải nhận lột hạt điều với mức thu nhập chỉ hơn 10.000đ/ngày, thấp hơn nhiều so với thu nhập trên đồng ruộng trước kia.

Tại CTDCVL xã Long Thạnh (huyện Thủ Thừa), trong số 32 hộ vào cất nhà, chỉ có 6 hộ “trụ” lại được, còn lại trở về đồng ruộng để sống. Dãy nhà 32 căn của họ hầu hết đều xây dựng dở dang (vì chỉ được vay 9 triệu đồng cất nhà), chưa tô trát, không cửa nẻo, một số bắt đầu hư hỏng, hoang phế... Nhiều căn nhà chỉ dựng cột lên rồi để đó, một số đã xây tường nhưng không có tiền lợp mái...

Những người có trách nhiệm cho biết, sở dĩ dân cất nhà mà không vào ở, ngoài yếu tố công ăn việc làm, còn có nguyên nhân do cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhiều nơi chưa có điện, nước. Khó khăn hiện nay là thiếu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bên cạnh đó là mức cho vay hỗ trợ người dân xây nhà còn thấp so với chi phí thực tế.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động