Trong một Hội nghị về nhà ở cho người có thu nhập thấp vừa tổ chức tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết sẽ triển khai thí điểm đầu tư xây dựng "nhà ở xã hội" tại một số thành phố lớn. Theo đó, Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương sẽ xây các chung cư 6 tầng, không thang máy; diện tích căn hộ 30-60m2 cho các đối tượng này thuê, mua.
Theo đó, việc xác định quy mô và lựa chọn địa điểm xây dựng dự án sẽ nghiên cứu để số hộ gia đình và số dân trong dự án hợp lý với các chỉ tiêu được xác định như: tổng số căn hộ bố trí trong dự án thí điểm từ 800 - 1.000; diện tích đất của dự án từ 3,5 - 5ha; số dân sinh sống thường xuyên trong khu vực từ 3.200 - 4.000 người.
Mẫu nhà cũng như loại căn hộ trong các dự án thí điểm này là nhà chung cư 6 tầng, không có thang máy. Các căn hộ được chia làm 3 loại: loại 30 - 35m2/căn (chiếm 30%); loại 45-48m2/căn (chiếm 60%); loại 60m2/căn (chiếm 10%).
Nhà áp dụng phương thức cho thuê theo tỷ lệ 70%; và thuê mua 30%. Nguyên tắc thuê và thuê mua nhà ở xã hội là phải đúng đối tượng; người thuê, thuê mua không được chuyển nhượng nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào trong thời hạn thuê, thuê mua.
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 120 - 150 tỷ đồng, lãi suất thu hồi vốn đầu tư khoảng 3%/năm với thời gian thu hồi vốn khoảng 40 năm.
Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương sẽ được thí điểm mô hình nhà ở xã hội trước.
Ông Trịnh Huy Thục, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng) phân tích, giá nhà của các dự án như hiện nay người thu nhập thấp không có khả năng mua, dù một số ít dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội đã xây xong và cả quỹ nhà mà Hà Nội thu lại từ các dự án phát triển nhà ở (20% quỹ đất, 30% quỹ nhà) cũng không phù hợp. Thậm chí, hình thức nhà ở trả góp, trả dần cũng chỉ phù hợp với dạng nhà ở thương mại chứ không trong tầm tay của người có thu nhập thấp.
Chính vì vậy, loại hình nhà ở này phần nào đưa ''giấc mơ'' có nhà của người thu nhập thấp sớm trở thành hiện thực.
Theo Kiều Minh - VietNamNet