Xây nhà ở cho sinh viên: Quản lý sao cho vẹn cả đôi đường

Cập nhật 28/10/2009 09:50

Xu hướng quy hoạch chung của Tp Hà Nội là dần di dời các cơ sở đào tạo ra khỏi vùng "lõi"của thành phố, kéo theo đó là các dự án nhà ở, ký túc xá (KTX) cho sinh viên sẽ được đẩy ra bốn hướng thuộc các khu vực vành đai 3 và vành đai 4. Theo Sở Xây dựng, với tốc độ giải ngân và triển khai dự án như hiện nay thì đến cuối năm 2011, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 330 nghìn chỗ ở mới cho sinh viên.

Hà Nội tất bật xây nhà ở cho sinh viên

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, hiện trên địa bàn Tp Hà Nội có 86 cơ sở đào tạo cho học sinh, sinh viên, trong đó 70 trường công lập và 16 trường dân lập (chưa tính các cơ sở đào tạo của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng). Số liệu tổng hợp ban đầu cho thấy, tổng số học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố hiện lên đến con số 800 nghìn người. Trong khi hệ thống KTX tại các trường trên địa bàn có qui mô rất nhỏ, chỉ có khả năng đáp ứng từ 5 - 20% nhu cầu ở của sinh viên. ĐH Bách Khoa Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu chỗ ở cho sinh viên, ĐH Dược mới chỉ đáp ứng khoảng 10% , ĐH Ngoại thương là 5%…

Phần lớn các khu KTX đã xuống cấp trầm trọng, luôn trong tình trạng quá tải lại thiếu cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu hoạt động thể thao văn hóa thiết yếu của sinh viên. Dự báo đến 2015, khi Hà Nội có khoảng 1 triệu sinh viên, thì sẽ có khoảng 60% trong số này có nhu cầu ở KTX, tương đương với 75 nghìn căn hộ.

Để giải "cơn khát" nhà ở của Hà Nội, Chính phủ dự kiến chi 600 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho UBND và các trường đại học của thành phố triển khai các dự án xây nhà ở cho sinh viên từ nay tới hết năm 2011. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình, hiện tại thành phố đã phê duyệt được 4 dự án KTX mới tại Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II, Xuân Đỉnh - Cổ Nhuế và Đồng Mai - Hà Đông.

Mới đây (ngày 24/9/2009), tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, dự án nhà ở học sinh, sinh viên do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công trên diện tích 37 nghìn m2 đất. Trước đó, dự án KTX tại Mỹ Đình II cũng đã cắm mốc khởi công với lời cam kết của liên danh nhà thầu là Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) là sẽ bàn giao công trình sau 20 tháng.

Các dự án nhà ở cho sinh viên ở Xuân Đỉnh - Cổ Nhuế, Đồng Mai - Hà Đông cũng lần lượt được khởi công trong tháng 9 và tháng 10 năm nay để kịp đưa vào sử dụng trong năm 2011. Ngoài các dự án nhà ở do UBND thành phố chủ trì, một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội cũng hăng hái đăng ký tham gia chương trình xây dựng KTX, nhà ở cho sinh viên như: Đại học Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Bách khoa, Điện lực, Ngoại thương, Ngân hàng, Dược và 2 học viện thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia…

Xây đã khó, quản lý còn khó hơn

Quyết tâm hoàn thành các dự án nhà ở cho sinh viên của chủ đầu tư và nhà thầu thì đã rõ, tuy nhiên, ở giai đoạn hậu dự án, một vấn đề được nhiều người quan tâm là các dự án triển khai từ ngân sách nhà nước sẽ được quản lý và duy tu ra sao, liệu có nảy sinh câu chuyện "cha chung không ai khóc" hay "sống chết mặc bay" như đã từng xảy ra với các dự án công. Nhằm giải tỏa lo ngại này, mới đây Chủ tịch UBND TP - Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng TP có trách nhiệm giám sát bảo đảm tiến độ xây dựng và sớm nghiên cứu đưa ra mô hình quản lý, duy tu bảo dưỡng hợp lý, nhằm khai thác hiệu quả công năng sử dụng của KTX.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, để lựa chọn được phương thức quản lý KTX hiệu quả, Sở Xây dựng Hà Nội cần lưu ý đến 3 tiêu chí, đó là: chuyên nghiệp, minh bạch và đúng mục đích.

Cũng theo TS. Phạm Sĩ Liêm, các khu KTX mới có tầm vóc và dung lượng lớn như vậy nên đi theo hướng có một ban quản lý (BQL) gọn nhẹ về nhân sự. Thay vì áp đặt bộ máy điều hành gồm những cán bộ công chức nhà nước vừa cồng kềnh, vừa thiếu hiệu quả thì thành phố nên tiến hành đấu thầu và chọn thuê một công ty quản lý chuyên nghiệp với các điều khoản, chuyên mục quản lý được liệt kê, qui trách nhiệm rõ ràng, có tính toán đến số lượng biến động xê dịch theo năm học, kỳ nghỉ của sinh viên.

Mặt khác, các công trình chủ yếu mang ý nghĩa xã hội, hỗ trợ cho sinh viên nên một số khoản thu của KTX có thể biến động và không đủ cho chi dùng và duy tu, bảo dưỡng. Do đó, vấn đề mà thành phố cần tính đến ngay từ bây giờ, đó là nguồn ngân sách dự trù để bảo đảm công năng sử dụng, không để công trình bị xuống cấp nhanh. Về lâu dài, trách nhiệm quản lý KTX không thể "khoán trắng" cho công ty tư nhân mà BQL ký túc xá và đại diện Hội sinh viên KTX cần cử ra một Hội đồng quản lý KTX, trong đó đại diện của Hội sinh viên KTX sẽ trực tiếp tham gia công tác giám sát các hoạt động quản lý và cung cấp các dịch vụ thương mại, giải trí trong các khu nhà ở, KTX sinh viên.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị