Số lượng chỗ ở cho công nhân các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hiện chỉ đáp ứng hơn năm phần trăm nhu cầu - Báo cáo của Sở Xây dựng với Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM vào sáng 23/4 cho biết.
Theo thống kê của Sở Xây dựng (XD), TPHCM có hơn 18.300 hộ gia đình và cá nhân xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, đáp ứng hơn 414 nghìn chỗ ở và chiếm gần 95 phần trăm nhu cầu. Nhà ở công nhân được xây dựng theo dạng nhà tập thể, chưa có phòng lưu trú cho hộ gia đình và thiếu các tiện nghi phúc lợi công cộng.
Qua khảo sát, hơn 71 phần trăm nhà trọ là nhà cấp bốn, không đủ ánh sáng thông thoáng, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Có nơi còn không có điện, nước máy, trang thiết bị...
Ông Nguyễn Tấn Bền - Giám đốc Sở XD cho biết, diện tích bình quân tối thiểu đối với nhà trọ công nhân (CN) theo quy định của Bộ XD và UBND TPHCM lần lượt là ba m2/người và bốn m2/người. Tuy nhiên, thực tế, con số này hiện mới chỉ đạt 2,9m2/người, dưới chuẩn cho phép.
Ngại đầu tư
Ông Nguyễn Tấn Bền thừa nhận: Có thực tế là chính quyền các quận huyện và DN chưa chú ý xây dựng nhà lưu trú công nhân (NLTCN). Thành phố đã dành quỹ đất xây NLTCN tại hai khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, Linh Trung và đang có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch một số KCX, Khu công nghiệp (KCN) để bổ sung quỹ đất xây dựng.
Tuy UBND thành phố đã chỉ đạo các quận huyện có KCX-KCN khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 phải xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong đó có NLTCN nhưng hầu hết các quận huyện không chấp hành bởi quy hoạch chi tiết chưa xác định đất dành xây NLTCN.
Theo lãnh đạo Công ty Phát triển Tân Thuận, Công ty đã tham gia đầu tư hai khu NLTCN tại KCX Tân Thuận (quận 7) và KCN Hiệp Phước (Nhà Bè). KCX Tân Thuận có 1.100 chỗ ở , vào cuối năm 2008 có 800 CN lưu trú nhưng đến cuối tháng 3 vừa qua chỉ còn chưa đến 600 CN.
Ngoài số CN nghỉ việc do khủng hoảng kinh tế, một số CN không muốn tiếp tục lưu trú nữa vì phải trả tiền điện, nước theo giá Nhà nước bán cho KCX. KCN Hiệp Phước có 50 DN đang hoạt động đăng ký xây dựng gần một nghìn chỗ ở nhưng chần chừ chưa muốn triển khai vì đầu tư xây dựng NLTCN, không biết đến bao giờ mới thu hồi đủ vốn đã bỏ ra.
Bốn công nhân (CN) Lan, Quỳnh, Xuân, Hợp (cùng làm trong một công ty da giày tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp) thuê chung một căn phòng trọ ẩm thấp, tối tăm, diện tích chưa đầy 20m2 ở phường Thạnh Lộc (quận 12), thường bị ngập do triều cường.
Chủ nhà cho xây hai dãy nhà cấp bốn rồi ngăn thành từng phòng, mái lợp tôn, nền tráng xi măng nên ban ngày cứ nóng hầm hập như lò bánh mì. Điều kiện sinh hoạt kém như vậy nhưng họ phải trả 500 nghìn đồng/ tháng (tiền điện, nước tự trả).
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong