Xây dựng nhà cao tầng trên nền đất yếu là một bài toán khó cho rất nhiều DN. Tuy nhiên, mới đây một nhóm các chuyên gia đã phối hợp với các DN nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ nhà nhẹ, giải quyết cơ bản khó khăn trên.
Đây là tổng thể các kết cấu tường, sàn, móng nhẹ nhưng vẫn đảm bảo tăng sức chịu lực. Công nghệ mới do một nhóm các nhà nghiên cứu, các giảng viên Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Cty CP Kết cấu Không gian TADITS và Cty TNHH Kết cấu và Công nghệ mới thực hiện.
Theo nhiều kết quả thăm dò địa tầng, với đặc thù nền đất phù sa của các con sông, ở rất nhiều khu vực tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đều có nền đất yếu và không ổn định. Chính vì vậy, rất nhiều công nghệ xử lý móng hiện đại đã được áp dụng nhằm giải quyết các khó khăn trên như: cọc khoan nhồi, cọc barrette, kết cấu không gian, sàn Superdeck (Hàn Quốc)...
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, giải quyết vấn đề trên một cách triệt để thì không chỉ là vấn đề móng. Sự kết hợp hoàn hảo nhất vẫn là nhà nhẹ kết hợp với xử lý móng thông qua công nghệ tiên tiến để áp dụng hiệu quả vào điều kiện thực tế Việt Nam.
Một trong các công nghệ mang tính cách mạng là Công nghệ sàn rỗng BubbleDeck. Ưu thế của công nghệ này là có thể giảm đến 50% trọng lượng bản thân công trình và giảm đáng kể lượng tiêu thụ bê tông. Đồng thời, việc thi công sẽ được tiến hành tổng lực theo hướng công xưởng hóa nhưng vẫn giữ nguyên ưu điểm của sàn toàn khối.
Công nghệ sàn rỗng BubbleDeck đã được thi công thành công trên 3 dự án, hiện đã đưa vào thiết kế trên 30 dự án khác. Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Châu Á và quốc gia thứ 15 trên thế giới tiếp nhận công nghệ này của Đan Mạch. Bộ Xây dựng Việt Nam đã xem xét và khuyến khích phát triển công nghệ này.
Để giảm trọng lượng tường, các chuyên gia đã sử dụng kết cấu tường nhẹ sản xuất công xưởng đã hoàn thiện bề mặt. Loại tường này giảm 70% trọng lượng bản thân so với tường xây gạch. Hai công nghệ trên đều có ưu thế tăng năng suất lao động, giảm bụi, rác thải, tiết kiệm nguyên liệu và rút ngắn thời gian thi công.
Phần móng và phần ngầm là sự kết hợp móng bè dạng hộp trên nền đất yếu với gia cố bằng công nghệ Top - Base nhằm giảm thời gian thi công 60 - 70% và đặc biệt là tăng khả năng chịu lực của nền đất yếu 30 - 40%.
Công nghệ Top Base mặc dù đã phát triển ở Nhật Bản và Hàn Quốc hơn 20 năm nhưng Việt Nam cũng là một trong số ít nước áp dụng công nghệ này. Nhóm nghiên cứu đã chính thức ra mắt Cty TNHH Liên doanh TBS Việt Nam để đưa các công nghệ mới vào áp dụng rộng rãi.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp