Xây mới hàng loạt nhà hát: coi chừng lãng phí!

Cập nhật 30/04/2008 10:00

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2010, hàng loạt rạp hát sẽ nở rộ trên địa bàn Hà Nội. Xây dựng các nhà hát hiện đại, chính quy, ngang tầm quốc tế là mong muốn chính đáng. Song, mong muốn phải phù hợp với khả năng thực tế.

Tầm cỡ quốc gia và quốc tế

Rục rịch suốt mấy năm, cuối cùng UBND TP Hà Nội đã chọn được địa điểm xây dựng một nhà hát ngang tầm quốc tế (dự kiến khánh thành vào năm 2012). Đó là công trình Nhà hát Lớn Thăng Long đặt tại Mễ Trì (Từ Liêm), cao từ 2 đến 4 tầng, tổng diện tích 23.000m2, hoạt động theo mô hình nhà hát đa chức năng: không chỉ tổ chức biểu diễn nghệ thuật mà còn phục vụ hội nghị, hội thảo, ăn uống, vui chơi; không chỉ là nơi nghiên cứu, bảo tồn, khôi phục nghệ thuật truyền thống, thử nghiệm các sáng tác, các phong cách biểu diễn mới mà còn là nơi bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đạo diễn, diễn viên. Trung tuần tháng 4, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng hăm hở trình đề án xây dựng Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia. Nếu được phê duyệt, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia sẽ có diện tích khoảng 30-40 nghìn m2, đặt cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình.

Trong khi đó, theo chủ trương Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt (ngày 28.3.2008), từ nay đến năm 2010, Bộ VH-TT-DL sẽ khởi động việc xây mới hàng loạt các rạp hát, nhà hát đa chức năng trên toàn quốc. Phía UBND TP Hà Nội sẽ tiến hành sửa chữa, xây mới một số rạp từng "vang bóng một thời" (nay bị "chuyển hóa" thành quán bia, bãi đỗ xe) như rạp Đại Nam, rạp Kim Đồng... Các nhà hát, rạp biểu diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Trung ương, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã lần lượt được chỉnh trang, xây mới.

Lãng phí và nghịch lý

Dự án xây dựng Nhà hát Lớn Thăng Long được khởi động với hy vọng "vượt mặt" Nhà hát Lớn - một công trình kiến trúc tiêu biểu đầu thế kỷ XX, không chỉ về diện tích (gấp 9 lần diện tích Nhà hát Lớn), mà còn về kiến trúc, công năng sử dụng. Thế nhưng, hiện tại, sân khấu biểu diễn của Nhà hát Lớn cũng chưa được sử dụng hết công suất. Mỗi tháng, nhà hát này chỉ sáng đèn vài ba lần. Vì vậy, để "cải thiện" đời sống cho nhân viên, lãnh đạo nhà hát đã cho thuê một phần diện tích trong khuôn viên nhà hát làm quán cà phê.

Rạp xiếc Trung ương được tu bổ, xây mới từ năm ngoái, nhưng mỗi tuần cũng chỉ đỏ đèn vào 2 ngày thứ bảy, chủ nhật. Gần chục năm nay, tọa lạc trên một khu đất rộng, lại nằm ở vị trí đẹp (liền kề Công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang), rạp xiếc Trung ương đã trở thành bãi đáp của nhà hàng bia hơi Liên hiệp, của quán Xanh, của Câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ kiêm khiêu vũ Mùa Xuân - mỗi tuần cũng chỉ sáng đèn vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Trong khi đó, Hà Nội cũng có một loạt các rạp Chuông Vàng, Hồng Hà, Nhà hát Chèo Kim Mã, Cung Văn hóa lao động thỉnh thoảng mới nhộn nhịp.

Trong khi đó, Chính phủ đã có chủ trương cắt giảm đầu tư công, rà soát các dự án xây dựng chưa cần thiết. UBND TP cũng đã có Quyết định số 92/2007 về việc quản lý, sử dụng tài sản công phải đúng chức năng, mục đích, quy hoạch.

Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng ráo riết kiểm kê quỹ đất công trên phạm vi cả nước (từ ngày 1.4 đến 30.11.2008) nhằm xác định diện tích đất mà các cơ quan, tổ chức nhà nước đang quản lý, sử dụng hiệu quả đến đâu (nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì sẽ bị thu hồi). Vậy, có nên tiếp tục tìm địa điểm, đổ công sức, tiền của, thời gian cho việc xây mới các nhà hát thay vì cải tạo các nhà hát đã xuống cấp và phát huy tối đa hiệu suất sử dụng? Mặt khác, có một nghịch lý là một số đơn vị nghệ thuật hoạt động tương đối hiệu quả (theo nghĩa vẫn có khách, vẫn bán được vé) như Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương thì không có rạp biểu diễn, hoặc rạp biểu diễn quá nhỏ bé, khuất nẻo như Nhà hát Tuổi Trẻ, đoàn chèo Hà Nội.

Bên cạnh đó, xây nhà hát phải là chiến lược lâu dài, không thể nóng vội. Theo kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam), được mời tư vấn cho Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc Nhà hát Lớn Thăng Long, cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Nhà hát Lớn Thăng Long phát động từ năm ngoái nhưng đến trung tuần tháng 4 vừa qua chỉ có 6 đồ án tham dự và cả 6 đồ án này đều không đạt chất lượng so với đề bài đặt ra. Nếu nóng vội chọn một đồ án khá nhất trong 6 đồ án này tức là cuộc thi đã thất bại, vì chỉ chọn được cái ít dở nhất trong số những cái dở. Hơn nữa, theo ông Luyện, muốn xây nhà hát ngang tầm quốc tế thì phải cân nhắc kỹ lưỡng về địa điểm.

Thế nhưng, đất đai ở nội thành chật chội, nên chỉ cần có khu đất nào trống là người ta đặt công trình vào đấy. Và thế là, các dự án lớn đều có xu hướng dạt ra Mỹ Đình, Từ Liêm, bất chấp việc có phù hợp với cảnh quan môi trường hay không. Rạp Kim Đồng dự kiến được xây mới ở 19 Hàng Bài, rạp Đại Nam sẽ vẫn ngự tại 89 Phố Huế. Đây vốn là các tuyến phố trung tâm thủ đô, diện tích nhỏ hẹp, san sát các dãy hàng quán, liệu có phù hợp để xây dựng các rạp hát?

Xây nhà hát cho 50 năm sau?

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng cho biết: "Chúng ta xây nhà hát không phải cho hôm nay mà xây cho 10-15, 50 năm sau, vì vậy, không thể không xây. Nếu không tính đến việc xây nhà hát ngay từ bây giờ thì trong quy hoạch đất đai sẽ không còn một địa điểm nào cho nhà hát nữa. Cũng không thể vì lý do các nhà hát không sử dụng hết công suất thì không xây mới các nhà hát khác. Trên thế giới, nhiều nhà hát cũng có quán cà phê, đi kèm các loại hình dịch vụ văn hóa giải trí cần thiết khác, vì vậy nếu kiên quyết không cho các đơn vị tận dụng diện tích cho thuê, mà để bỏ hoang thì cũng là một hình thức lãng phí.

Tới đây, Bộ sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để có quan điểm thống nhất về việc sử dụng đất công trong các nhà hát. Tóm lại, quan điểm của chúng tôi là ai có tiền, có đất thì cứ xây nhà hát, khuyến khích thôi".


Theo Thanh Niên