Xây hầm qua sông Hàn, nên không?

Cập nhật 21/12/2016 10:54

Trong khi các lãnh đạo Đà Nẵng nói rằng dự án xây dựng hầm qua sông Hàn là hợp lý thì các nhà quy hoạch, kiến trúc sư và nguyên lãnh đạo địa phương này lại chưa đồng tình.

Vị trí dự kiến xây miệng hầm phía quận Hải Châu nằm ở đường Như Nguyệt (khoanh tròn), TP Đà Nẵng - Ảnh: HỮU KHÁ

Dự án hầm qua sông Hàn có điểm nối từ đường 3/2 - Đống Đa (quận Hải Châu) đến vòng xoay đường Vân Đồn (quận Sơn Trà). Hầm có chiều dài 1.315m, trong đó đoạn hầm chìm dài 900m, còn lại là hầm hở. Hầm xe có 6 làn xe, tổng số vốn là 4.088 tỉ đồng. Dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2017.

“Làm hầm để sông thông thoáng”

Tại các cuộc báo cáo của đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm (BRITEC) vào tháng 6-2016 cũng như trong cuộc thi tuyển công trình vượt sông Hàn tổ chức tháng 9-2016, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chủ tịch hội đồng thi tuyển công trình vượt sông Hàn - khẳng định việc xây hầm sẽ làm cho đoạn sông Hàn từ cầu Thuận Phước đến cầu Sông Hàn thông thoáng, đảm bảo tổ chức các lễ hội cũng như các cuộc thi thuyền buồm quốc tế.

Đồng thời ông Tuấn cũng cho rằng Đà Nẵng có quy hoạch các bến du thuyền trên sông Hàn, nên nếu xây cầu ở khu vực này thì du thuyền không thể ra vào được.

Cùng quan điểm với ông Tuấn, ông Lê Văn Trung - giám đốc Sở Giao thông vận tải - nói phương án xây hầm đảm bảo được yêu cầu và đề xuất cho triển khai xây hầm.

Ông Trung cũng đưa ra lý do làm hầm để tạo cho dòng sông Hàn thông thoáng và khẳng định vị trí của dự án thuận lợi cho việc xây hầm.

Còn ông Thái Ngọc Trung, phó giám đốc Sở Xây dựng, cũng đồng ý và đề xuất phương án xây hầm.

Theo ông Trung, việc hình thành nên một cây cầu tại vị trí này hoàn toàn không phù hợp, cho dù có làm thêm bao nhiêu phương án cầu nữa cũng không thể giải quyết được vấn đề về không gian cảnh quan tại khu vực.

Lý do duy nhất là đặc thù hiện trạng tại khu vực không thuận lợi khiến việc thiết kế cầu là bất khả thi.

Sau cuộc thi, tháng 11-2016, hội đồng thi tuyển đã có báo cáo và Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đồng ý với phương án xây hầm qua sông Hàn.


Vị trí dự kiến xây hầm và phối cảnh hầm qua sông Hàn - Ảnh: HỮU KHÁ

“Tốn kém”, “gây xáo trộn giao thông”

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thúy Loan - phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), người được Đà Nẵng mời làm thành viên hội đồng thi tuyển công trình qua sông Hàn - cho biết xét tổng thể về phương án hầm sẽ giữ được sự thông thoáng mặt sông.

Tuy nhiên, có một loạt khó khăn thách thức như sau: chi phí đầu tư làm hầm quá tốn kém (gấp 2 - 2,5 lần chi phí làm cầu), chi phí duy tu bảo dưỡng cũng rất tốn kém (gấp 4 - 5 lần so với cầu).

Ngoài ra, PGS.TS Loan cho biết riêng với Đà Nẵng hiện nay, mặc dù vị trí xây hầm không ảnh hưởng đến cảnh quan thị giác trên sông, tuy nhiên lại có nguy cơ làm hỏng không gian ven sông do chia cắt thành phố với sông bởi những lối lên xuống, chia cắt sinh hoạt xã hội như: đi dạo, thư giãn, ngắm cảnh của người dân.

Đồng thời làm giảm cơ hội kinh doanh dịch vụ của các công trình xung quanh điểm lên xuống hầm do giao thông cơ giới đi lại với tốc độ và lưu lượng lớn. “Việc xử lý lối lên xuống hầm hiện gây xáo trộn rất lớn ở khu vực này, là không thể chấp nhận được” - PGS.TS Loan cho biết.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Viết Trung (ĐH GTVT, cũng là thành viên hội đồng thi tuyển công trình qua sông Hàn) không đồng ý việc xây hầm qua sông Hàn. Theo GS Trung, thiết kế có quá nhiều mối nối giữa các đốt hầm và đó sẽ là nơi có nguy cơ thấm nước cao.

Theo thiết kế của BRITEC, hầm có đoạn cong gắt trên đường dốc phần đầu hầm. Khu vực này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khi xe cộ lưu thông. Hơn nữa đoạn hầm cong cũng là nơi sẽ có nguy cơ cao nhất bị thấm nước từ đáy sông vào.

Nếu chọn phương án hầm sông Hàn thì kinh phí duy tu, vận hành khá lớn và phải chi mãi mãi cho hầm qua sông Hàn mà Đà Nẵng khó có thể thu phí xe qua hầm này để bù đắp.

Phối cảnh hầm vượt sông Hàn

“Dục tốc bất đạt”

Sau khi Ban thường vụ Thành ủy thông qua phương án xây hầm, ông Trần Văn Minh - nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nguyên phó Ban Tổ chức trung ương - đã trả lời báo chí về vụ việc ông không đồng tình phương án xây hầm qua sông Hàn cũng như thể hiện quan điểm trên Facebook cá nhân của mình.

Theo ông Minh, Đà Nẵng nằm ở vùng thường xuyên có bão, khi đó mực nước sông Hàn sẽ vượt đường Như Nguyệt đổ vào miệng hầm thì nguy quá, như bão Xangsane năm 2006 mực nước đã lên đường Bạch Đằng.

Ông Minh đặt vấn đề: Việc lãnh đạo Đà Nẵng muốn có một công trình tầm cỡ, điều đó rất hoan nghênh, nhưng đã bức xúc đến mức phải làm chưa?

Thành phố còn nhiều việc bức xúc phải làm như bãi đậu xe, khu xử lý rác thải, nước thải ô nhiễm ở sông Phú Lộc, nước thải đổ ra biển, trật tự trị an, an sinh xã hội... Trong khi đó, phương án chọn thì chưa rõ lắm, không có trong quy hoạch, kinh phí quá lớn, sự đồng thuận của người dân thành phố chưa cao.

“Theo tôi, lãnh đạo thành phố nên tiếp tục nghiên cứu cho kỹ để tránh phá vỡ quy hoạch, không có gì phải vội vàng, cần lấy ý kiến thêm các chuyên gia, ý kiến của nhân dân trên tinh thần cầu thị. Ông bà ta thường hay nói “dục tốc bất đạt”, nghĩa là làm việc gì nhanh quá sẽ không thành công” - ông Minh nói.



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ