Mô hình đường trên cao. (Ảnh minh hoại: Internet) |
"Bài toán" tắc đường, kẹt xe tại Hà Nội ngày càng trở nên khó giải trong bối cảnh đất chật người đông, mà các loại phương tiện lại gia tăng theo cấp số nhân qua từng năm.
Các chuyên gia giao thông đang đề xuất cách giải bài toán này bằng cách xây dựng "đường trên cao". Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình thành phố đề án xây dựng 6 đường trên cao nhằm chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2010-2015, với tổng mức đầu tư gần 33.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa đề án này, Hà Nội vẫn phải tính kỹ nhiều việc.
Cách giải hữu hiệu!
Theo Sở Giao thông Vận tải, hàng ngày Hà Nội đều phải "đau đầu, vắt óc" đối phó với trên 100 điểm thường xuyên ùn tắc. Do đó, để khắc phục và hạn chế thấp nhất nạn ùn tắc và tai nạn giao thông, bên cạnh các giải pháp tình thế thì việc tập trung xây dựng ngay một số tuyến đường trên cao (cầu cạn) từ nay đến năm 2015, nhằm tận dụng tối đa không gian đường hiện có, giảm thiểu giải phóng mặt bằng là giải pháp cấp bách, căn bản và triệt để nhất.
Những tuyến đường trên cao được đề xuất xây dựng là đường trên đê Hữu Hồng từ Lạc Long Quân đến Yên Phụ - tuyến 1, tạo thêm 2 làn đường; đường vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy - tuyến 2, đảm bảo 4 làn xe chạy; đường vành đai 3, đoạn từ Nội Bài - Thăng Long - Mai Dịch - Linh Đàm - Pháp Vân là tuyến 3.
Hay trục ga Hà Nội - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Kim Giang - đường 70 là tuyến 4, đề xuất xây đường trên cao 4 làn xe; trục đường Trần Duy Hưng - Liễu Giai - Hồ Tây là tuyến 5, đề xuất xây dựng từ đường vành đai 1-3, quy mô 4 làn xe; trục Giảng Võ - Láng Hạ - Thanh Xuân là tuyến 6, vành đai 3.
Thống kê của Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết hầu hết tuyến đường nội đô đều đang quá tải, tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân mỗi khi ra đường. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp, công tác giải phóng mặt bằng để mở đường rất khó khăn.
Các tuyến đường đề xuất xây dựng đường trên cao đều là những "điểm đen" về ùn tắc giao thông của Thủ đô trong nhiều năm qua, thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng và đều nằm trong khu vực các đường vành đai ngoại vi thành phố, không ảnh hưởng trực tiếp đến không gian trung tâm đô thị, nhất là những di tích lịch sử, văn hóa.
Thực tế, hệ thống đường trên cao tại nhiều đô thị của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Bangkok của Thái Lan, Thượng Hải ở Trung Quốc, Tokyo ở Nhật Bản đều phát huy hiệu quả. Hiện thành phố đã chấp thuận chủ trương xây dựng đường trên cao và giao cho Sở Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) nghiên cứu kỹ thuật.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải hoàn tất thẩm định kết quả đấu thầu sớm trong tháng 3 này, đường trên cao đầu tiên của Hà Nội sẽ sớm được triển khai ngay trong năm nay.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Khôi, việc xây dựng đường trên cao ở Hà Nội rất cần thiết để tạo bước đột phá giải quyết ùn tắc giao thông, đặc biệt là trục Đông - Tây của Thủ đô, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt mà còn hướng tới lâu dài.
Khi xây dựng đường trên cao, thành phố và Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa ra những cơ sở khoa học để các cơ quan triển khai dự án đạt được kết quả cao nhất.
Làm rõ lợi, hại của "đường trên cao"
Mặc dù "đường trên cao" đã được thành phố chấp thuận về chủ trương và đang chờ các cơ quan hữu quan thẩm định, nhưng nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư của thành phố bày tỏ quan ngại rằng việc xây dựng "đường trên cao" nếu không tính toán kỹ với những khối bêtông dày đặc sẽ tác động không nhỏ tới cảnh quan đô thị; đồng thời biến nhiều khu vực dân cư thành những phố gầm cầu, ảnh hưởng tới tâm lý và tập quán sinh hoạt của người dân.
Tổng Giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn đồng tình về việc xây đường trên cao không phải giải phóng mặt bằng nhiều mà giải quyết được lưu lượng giao thông lớn, chi phí đầu tư ít hơn nhiều so với làm đường ngầm. Tuy nhiên, các tuyến đường trên cao có thể ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nhất là khu vực phố cổ.
Nhiều chuyên gia khẳng định đến bây giờ mới nghĩ đến chuyện làm đường trên cao là "quá muộn với Hà Nội." Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, phải có quy hoạch tổng thể, phải gắn kết với công trình giao thông công cộng, cảnh quan, kiến trúc, công trình ngầm, điện, đường cáp…; đồng thời phải mời chuyên gia nước ngoài giúp đỡ về quy hoạch, công nghệ bởi họ đi trước Việt Nam hàng chục năm.
Một số chuyên gia cũng băn khoăn hệ thống đường trên cao liệu có kết nối hài hòa với các dự án giao thông khác như đường sắt trên cao sắp được triển khai hoặc hệ thống đường quốc lộ, đường cao tốc.
Còn tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông khẳng định hệ thống đường trên cao chắc chắn có ảnh hưởng mỹ quan, môi trường sống đô thị. Vì vậy, khi xây dựng, Hà Nội phải nghiên cứu kỹ tác động đến môi trường và có giải pháp hạn chế như rào chắn bằng tường bêtông ở tuyến trên cao.
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cách này để giảm tiếng ồn và bụi gần khu dân cư. Việc khảo sát đoạn đường nào có thể xây dựng đường trên cao cũng phải được tính toán kỹ lưỡng, nếu làm không cẩn thận thì hậu quả là đường trên cao được thông thoáng, song 2 đường dẫn lên xuống lại ùn tắc, hệ lụy là cả tuyến cùng tắc!
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức/Vietnam+