Xây dựng nhà ở xã hội: Cốt tử là cơ chế gọi vốn

Cập nhật 26/10/2008 10:00

Sự hưởng ứng của các doanh nghiệp đối với xây dựng nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Ngoài nguyên nhân tỷ suất lợi nhuận không hấp dẫn, thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư nhà ở xã hội cũng còn khó khăn.

Bộ Xây dựng mới đây có tờ trình Chính phủ về chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009 - 2015. Theo đó, sẽ có khoảng 184.000 căn hộ được xây dựng, tương đương 9.580.000 m2 sàn (mỗi năm khoảng 26.000 căn hộ, tương đương 1.365.000 m2 sàn), giải quyết chỗ ở cho khoảng 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Tổng số vốn đầu tư cho chương trình này khoảng 49.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD).

Con số 3 tỷ USD không phải là quá lớn so với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản hiện nay, đặc biệt, số tiền đó được giải ngân trong thời gian 6 năm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế nào để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nhà ở xã hội - một lĩnh vực đầu tư có tỷ suất lợi nhuận thấp và thời gian thu hồi vốn kéo dài hơn nhiều so với các lĩnh vực bất động sản khác, như nhà ở cao cấp hay văn phòng cho thuê...

Theo phương án tài chính mà Bộ Xây dựng đưa ra, trong số 49.000 tỷ đồng vốn đầu tư, Nhà nước sẽ đầu tư khoảng 25.600 tỷ đồng để xây dựng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê (trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 11.000 tỷ đồng, ngân sách các địa phương khoảng 14.600 tỷ đồng). 23.400 tỷ đồng còn lại sẽ được huy động từ các thành phần kinh tế dùng để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê hoặc thuê mua.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2009 - 2015 của Bộ Xây dựng đã đưa ra được kế hoạch đầu tư tương đối cụ thể, cùng quy chế vận hành rõ ràng, có tính khả thi. Chương trình này, nếu được thông qua, có thể tạo ra một bước đột phá việc phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, chương trình chưa chỉ ra được việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế sẽ được thực hiện như thế nào. Nếu thực thi không khéo, có thể lại rơi vào tình trạng bao cấp về nhà ở như trước kia, bởi thực tế chương trình vẫn đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ Nhà nước (ngân sách nhà nước chiếm tới hơn 50% vốn đầu tư với 25.600 tỷ đồng - PV).

Theo ông Liêm, ban đầu, ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ đầu tư tại một số dự án để tạo dựng thị trường nhà ở xã hội. Nhưng về lâu dài, khi thị trường phát triển, các nguồn thu lớn lên, thì Nhà nước có thể giảm dần tiền vốn đầu tư từ ngân sách bằng cách tạo quỹ đất, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vốn vay... để doanh nghiệp tự đầu tư nhà ở xã hội.

“Điều quan trọng nhất là phải tạo ra được một thị trường nhà ở xã hội có khả năng mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư thì mới có thể thu hút được nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực này một cách lâu dài”, ông Liêm nói. Một trong những cách để phát triển thị trường nhà ở xã hội là phát triển mạnh thị trường nhà cho thuê. Thực tế ở các nước, thuê nhà là khái niệm phổ biến, chỉ có một số ít người mới có tiền mua nhà.

Thời gian qua, một vài địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Phúc... đã thí điểm phương án đầu tư nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhưng số lượng còn rất hạn chế. Ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hà Nội cho biết, khó khăn nhất là việc thuyết phục các chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư nước ngoài, chia sẻ trách nhiệm đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

“Phải mất nhiều năm, với nhiều nỗ lực, Hà Nội mới đầu tư xây dựng gần 1.000 căn hộ cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh và kêu gọi được một số doanh nghiệp Nhật Bản đóng tiền thuê nhà cho công nhân ở. Nhưng về lâu dài, biện pháp này không ổn, vì nó phục thuộc quá nhiều vào lòng hảo tâm của chủ đầu tư. Nên chăng, Nhà nước đặt ra một số quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư về vấn đề nhà ở cho công nhân khi đầu tư dự án tại một địa phương nào đó”, ông Bình kiến nghị.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bày tỏ nguyện vọng đầu tư nhà ở cho các cán bộ, công nhân của họ, nhưng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang gặp khó khăn. Nếu Nhà nước có một chính sách cụ thể hơn về vấn đề chuyển đổi sử dụng đất đai cho nhà ở xã hội, thì câu chuyện sẽ có khả năng được giải quyết.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư