Theo kế hoạch xây dựng ký túc xá sinh viên (KTX) trên địa bàn TPHCM đã được UBNDTP căn bản thông qua, đến hết năm 2009, thành phố sẽ hoàn thành khoảng 100.000 chỗ ở cho sinh viên (SV) của các trường ĐH thuộc khu vực Đông Bắc TP. Kinh phí xây dựng là 4.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ.
2009 và 100.000 chỗ ở SV
Theo chủ trương của Chính phủ, các dự án KTX chủ yếu do ngân sách của Trung ương và địa phương đầu tư, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia theo phương thức xã hội hóa. Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là phấn đấu đến năm 2015 sẽ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu về chỗ ở cho SV các trường ĐH, CĐ.
Trên tinh thần đó, trong 15 khối KTX đã đưa vào hoạt động tại khu ĐH Quốc gia TPHCM có 4 khối của ĐH Quốc gia do ngân sách Trung ương (2 khối, 20 tỷ đồng) và ngân sách TP (2 khối, gần 37 tỷ đồng) đầu tư. Còn lại 11 khối là do các tỉnh có SV đến học xây dựng với tổng kinh phí 115 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Hưng Á cũng đã đầu tư xây dựng một khu KTX theo hình thức xã hội hóa (được thuê đất 13 năm) với tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ đồng. Còn 10 khối ở khu A đang triển khai trong thời gian tới, dự kiến đáp ứng khoảng gần 4.300 chỗ ở cho SV.
Theo kiến nghị của ĐH Quốc gia TPHCM tại buổi làm việc về chương trình xây dựng nhà ở tại TPHCM, Chính phủ đã cơ bản đồng ý cho TPHCM điều chỉnh quy hoạch tại hai khu A và B của khu quy hoạch ĐH Quốc gia TPHCM theo hướng tăng mật độ xây dựng từ 15% - 30%, tầng cao trung bình khoảng 20 tầng (quy hoạch trước đây chỉ từ 5 - 12 tầng) và cho phép TP chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ.
TPHCM cũng đã xác định chương trình xây dựng KTX là công tác trọng tâm trong chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn TP từ nay đến 2010 cũng như các năm tiếp theo. Vì thế, TPHCM đã thống nhất cùng với Bộ Xây dựng trình Chính phủ một số cơ chế, chính sách để phát triển KTX. Cụ thể như các dự án xây dựng KTX được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất 1,5 lần so với hiện hành. Việc xác định giá thuê nhà ở cho SV-HS tại các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách do chủ đầu tư dự án xác định theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của Nhà nước vào giá thuê. Các chủ đầu tư dự án KTX vốn ngoài ngân sách được hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng…
Nếu tất cả những vấn đề trên thực sự được khơi thông, guồng máy chạy tốt theo kế hoạch đề ra thì năm 2009 này thật sự là một năm tăng tốc trong xây dựng nhà ở cho SV, tạo động lực cho những năm tiếp theo.
Tích cực khởi động
Theo kế hoạch, đến năm 2015, TP sẽ hoàn thành 71 khối KTX trong khu quy hoạch ĐH Quốc gia TPHCM, đáp ứng khoảng 100.000 chỗ ở cho SV các trường ĐH, CĐ tại khu quy hoạch ĐH Quốc gia TPHCM. Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2010, TP sẽ hoàn thành 28 khối KTX, đáp ứng khoảng 30.000 chỗ ở cho SV (khoảng 7,5m²/chỗ ở), với tổng mức đầu tư 1.229 tỷ đồng (trong đó có 88,7 tỷ đồng do các tỉnh đầu tư); giai đoạn 2011 - 2015 sẽ hoàn thành thêm 43 khối KTX đáp ứng khoảng 70.000 chỗ ở với tổng đầu tư 2.856 tỷ đồng.
Như vậy, cộng thêm khoảng 10.000 chỗ ở cho SV đã được xây dựng trong giai đoạn 2007 - 2009 (tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng) thì đến năm 2015, TP sẽ có khoảng 110.000 chỗ ở cho SV. Chủ trương của TPHCM là các khu KTX trên phải đảm bảo các yêu cầu về ăn ở, học tập và sinh hoạt cho SV.
Để hoàn thành kế hoạch xây dựng KTX, UBND TP đã giao Đại học Quốc gia TPHCM liên hệ các cơ quan chức năng để khẩn trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất dự trữ 5 ha tại khu A và khu 28,4 ha tại khu B (nằm tại làng ĐH Thủ Đức). Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương hoàn thiện quy hoạch định hướng quỹ đất cho các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP theo hướng sử dụng đất hiệu quả, hợp lý, theo từng cụm các trường ĐH, không bố trí khu KTX riêng lẻ cho từng trường.
Trước mắt, lãnh đạo TP yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận 9 và các cơ quan liên quan làm việc ngay với các trường ĐH Luật, Kinh tế, Kiến trúc... để xây dựng cụ thể kế hoạch, lịch trình di dời khỏi nội thành; hoàn thiện ngay quy hoạch các trường tại phường Long Phước quận 9 với diện tích khoảng 160 ha…
Đến thời điểm này, mọi việc có vẻ xuôi chèo mát mái, nhất là guồng máy đã chạy đều hơn, những trục trặc khi vận hành đã được giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại do thời gian mà kế hoạch đề ra quá gấp gáp, sợ TP sẽ không thực hiện kịp. Mà nếu có thực hiện được thì cũng khó đồng bộ khi kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành còn rất ngổn ngang. Sẽ khó tránh lãng phí nếu không có biện pháp để SV chấp nhận ở ngoại thành, vùng ven nhưng vào nội thành để học.
Thủ tướng vừa ban hành quyết định về một số cơ chế chính sách nhằm phát triển KTX như: Các thành phần kinh tế tham gia xây dựng KTX bằng nguồn vốn ngoài ngân sách được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế…; chủ đầu tư các dự án KTX được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các hợp đồng tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị với tỷ lệ tiết kiệm phù hợp.
Các dự án xây dựng KTX được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng lên 1,5 lần so với quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành, không khống chế tầng cao miễn là phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tiêu chuẩn thiết kế chỗ ở cho SV cũng được quy định tối thiểu 4m²/SV.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng