Bên cạnh nhiều ý kiến tranh luận về việc xây dựng thành phố ven sông Hồng, KTS Trần Thanh Vân có quan điểm riêng về vấn đề này, từ góc độ xem xét cấu trúc phong thủy.
Tay lái vững ở đâu?
Cách đây gần nửa thế kỷ, trong khi đất nước còn bị chia cắt, sống giữa Thủ đô đầy bom đạn , thi sĩ Xuân Diệu đã làm hai câu thơ bất hủ:
"Tổ quốc ta như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau"
Xuất thân trong một gia đình Nho học, thi sĩ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha là một “Cụ Hàn xứ Nghệ ”, không chỉ tinh thông thơ phú mà còn hiểu biết sâu sắc về địa lý Phong Thủy.
Trong một phút thăng hoa, nhà thơ đã vẽ lên bố cục âm dương địa mạch hình chữ S của đất nước Việt Nam. Thật kỳ diệu, nước ta đúng là một con tàu mà Nam bộ nói chung, trong đó Sài gòn là trung tâm, đã xứng đáng là một đầu tàu. Còn Mũi Cà Mau quả là một mũi thuyền rẽ sóng.
Cấu trúc hài hòa âm dương
Thành phố Hồ Chí Minh đã có 300 năm lịch sử. Nơi đây, khi xưa rộn ràng thuyền buôn từ nhiều nơi trên thế giới lui tới. Ngày nay, các thương nhân đến Việt Nam thì đa số, đầu tiên phải đến TP Hồ Chí Minh.
Sau 32 năm đất nước thống nhất, thành phố Sài Gòn năng động vẫn xứng đáng là một đại thương trường, là đầu tàu, dẫn đầu cả nước đi khai phá nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Tuy vậy, đầu tàu năng động phải khai thác sức gió và vượt sóng, đôi khi bị bập bềnh, chao đảo trước gió to, có thể mất đi sự thăng bằng, vững chãi vốn có trong truyền thống của dân tộc ta. Những lúc đó, ta rất cần tay chèo thật khỏe và tay lái thật vững, để khống chế hành trình chính xác của cả con tàu.
Trong những năm tháng tới, khi nền kinh tế đã hội nhập để cả thế giới tràn vào, thì gió càng to, sóng càng lớn, chắc chắn còn nhiều chao đảo nữa. Vậy đằng sau đầu tàu năng động, rất cần một tay lái vững.
Tay lái vững ở đâu?
Huế - "Vạn đại dung thân"?Gần 500 năm trước, khi biết dã tâm của người anh rể là Trịnh Kiểm sẽ sát hại cả gia đình mình, Chúa Nguyễn Hoàng đã đi cầu cứu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình nhìn đàn kiến leo trên hòn non bộ rồi phán: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Hiểu ý Trạng, Chúa Nguyễn Hoàng đã đã xin Trịnh kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi xây dựng bản doanh luôn trong đó, nhờ đó mà bảo toàn được tính mạng, mở đầu cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh gần 300 năm.
Nhưng “Vạn đại dung thân” khác xa với “Vạn đại bá vương”. Phú Xuân Huế có sông sâu, có núi hiểm, có Chùa Thiên Mụ và núi Ngự Bình che chắn, phù hợp cho một cuộc trốn chạy, thúc thủ.
Nhưng Huế chưa chắc đã phải là nơi lý tưởng để các anh hùng vĩ nhân kinh bang trị vì thiên hạ.
"Nhất kinh kỳ, nhì phố hiến"Manh nha từ thời Tiền Thăng Long, năm 256 tr.CN, Thục Phán An Dương Vương lập nên nước Âu Lạc, đã nhận ra thế cục Phong thủy rất vượng khí của vùng đất này nên đã chọn Cổ Loa để lập Kinh đô. Một ngàn năm Bắc thuộc, tiếp theo là một ngàn năm tổ tiên chúng ta giành giật với phong kiến Phương Bắc vùng đất vô cùng quý hiển có núi Chầu, sông Tụ đi từ Cổ Loa tới La Thành.
Các thầy phong thủy phương Bắc, điển hình là quan đô hộ sứ Cao Biền, đã mất nhiều công tìm kiếm và đã phát hiện ra nhiều huyệt đạo bí hiểm nơi đây.
Tổng cộng họ tìm ra 632 huyệt chính, huyệt phát đế và 1517 huyệt bàng, huyệt phát quan …
Cho đến năm 1010, dưới sự dìu dắt của Thiền Sư Vạn Hạnh, Vua Lý Công Uẩn lên ngôi và đã xác định tâm huyệt Long quyên thuy chính là vùng nước thóang rộng nhất của sông Hồng nối với Hồ Tây và hệ thống sông hồ lớn nhỏ xung quanh. Đó chính là Hệ Long mạch, tạo nên một dòng lưu thủy cực mạnh, có thể xua tan mọi ám khí, có thể tụ hội Hồn thiêng sông núi.
Khẳng định được phát hiện đó, Vua Lý Công Uẩn đã ban Chiếu dời Đô và đặt tên là Kinh đô Thăng Long (Thăng Long - Rồng quẫy sóng bay lên , là cách nói gọn của hiện tượng Long quyển thủy).
Từ đó, Kinh đô Thăng Long ổn định trường tồn.
Ba triều đại huy hoàng Lý, Trần, Lê, ngự trị dài nhất và đã ghi được nhiều công đức vẻ vang, làm rạng rỡ non sông chính tại đất Thăng Long. Hình ảnh Thăng Long trên bến dưới thuyền, và câu ca dân gian "nhất kinh kỳ, nhì phố hiến" đã nói lên cảnh thanh bình thịnh vượng và giao lưu kinh tế rộng rãi của Thăng Long với trong nước và ngoài nước.
Xây dựng Hà Nội theo cấu trúc phong thủy?
Sáu mươi hai năm qua, trên mảnh đất đầy đau thương và đầy hào khí này, Đảng và Chính phủ ta đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Pháp, rồi giặc Mỹ và đang xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh. Làm được những việc vĩ đại đó, ta không thể không nhận thấy một điều kỳ diệu rằng, chính tổ tiên chúng ta đã rất sáng suốt từ những bước đi ban đầu và vẫn đang chỉ lối cho ta đi tiếp hôm nay.
Vòng tròn Trung tâm
Hôm nay chúng ta đã có một Thủ đô rộng lớn mà Trung tâm của thành phố trùng khớp với Tâm điểm của cấu trúc Phong thủy Thăng Long, vòng tròn tâm điểm này rộng tới 40 Km2, ôm gọn dấu tích huy hoàng của dân tộc suốt hơn 2000 năm. Luật đê điều đã cho phép chúng ta nghiên cứu khai thác hai bên bờ sông Hồng, Thành Cổ Loa đang được trùng tu tôn tạo, Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ và đang có kế họach bảo tồn.
Thủ đô hôm nay muốn thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nói khác đi, muốn trở thành tay lái vững để điều khiển con tàu đất nước, thì cấu trúc của Trung tâm Thủ đô phải tuân thủ nghiêm ngặt luật Phong thủy nơi đây: Bờ Nam sông Hồng là Trung tâm Chính trị và Thương Mại, Bờ Bắc kéo đến Cổ Loa dài 7Km phải là Trung tâm Văn hóa, Lịch sử và Du lịch.
Chính giữa sông, nơi đã có hàng ngàn ha đất bồi, nơi sinh khí vượng nhất, không thể để hoang hóa nhưng cũng không được biến thành đảo bê tông , nơi đây nên xây một Đô thị nổi với nhiều cung điện, đền đài, để nghỉ ngơi di dưỡng tinh thần và khai thác kinh doanh du lịch.
Không gian trong vùng trung tâm này cần thoáng rộng, nước phải lưu thông để duy trì Long quyên thủy, không xây các tòa nhà tháp như các cần ăng ten làm mất Dương khí, không xây khu nhà quá cao quá to và dày đặc như bức tường chặt giữa Hồ Tây và Sông Hồng, cần tái tại hình ảnh của một "Thăng Long trên bến dưới thuyền" và không mô phỏng, sao chép của bất cứ một nơi nào trên thế giới.
Mô hình thành phố ven sông đang gây nhiều chú ý của dư luận
Tất cả các công trình xây dựng ở đây, tất cả các nẻo đường nơi đây phải gắn bó với trục đường đi đến thành Cổ Loa, nơi đó có Am Mỵ Châu, một người con gái rất nhân hậu nhưng đã đắc tội với non sông chỉ vì quá nhân hậu. Không phải vô cớ mà hơn 2000 năm nay dân ta vẫn thành kính dâng hương thờ một bức tượng mất đầu.
Hôm nay, bức tượng đó đang ở ngay sát cạnh Trung tâm Thủ đô hiện đại. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải mở rộng cửa, phải bắt tay với tất cả bạn bè trên thế giới.
Ngoài việc khống chế quy họach xây dựng, Thành phố cần có định hướng để phấn đấu lưu thông Dòng lưu thủy tức là lọai bỏ một Tử mạch để tìm lại một Sinh mạch, tích tụ được hồn thiêng sông núi, thì con thuyền đất nước đủ vững vàng để rẽ sóng ra khơi.
>>
Dự án sông Hồng: Những vấn đề đặt ra cần quan tâm
Theo TuanVietnam