Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng phát lệnh khởi công xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Anh Minh |
Cùng với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Láng - Hòa Lạc, Hà Nội – Lào Cai, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng ngày 24/11 sẽ là tuyến cao tốc hướng tâm thứ tư vào Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khởi công Dự án được tổ chức tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Không chỉ là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế cho khu vực Trung du - miền núi phía Bắc, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên sẽ mở thêm một hướng thông thương mới đối với nước bạn Trung Quốc.
Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi qua địa phận huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội, thị xã Từ Sơn và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, huyện Phổ Yên, thị xã Sông Công, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành các tiểu dự án thành phần giao cho UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua.
Dự án có chiều dài tuyến chính là 61,3 km xuất phát từ km152+400/Quốc lộ 1A mới (thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội), đi trùng đường vành đai 3 Hà Nội đến km7+800 (khu vực Thạc Quả) rồi rẽ phải theo hướng Bắc qua Thụy Lôi, Hòa Tiến, đến km17+530 giao với Quốc lộ 18 tại khu vực Yên Vĩ (vị trí km17+125 lý trình Quốc lộ 18) thuộc địa bàn huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, tuyến vượt sông Cà Lồ bằng cầu Xuân Tảo km20+350, cắt đường nối vào trung tâm huyện Sóc Sơn tại km26+100.
Sau đó tuyến đi song song (phía Đông) đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và Quốc lộ 3 hiện tại vượt sông Công bằng cầu Phù Lôi tại km32+060 (cách cầu Đa Phúc 1,5 km về phía hạ lưu), cách đường sắt chỗ gần nhất khoảng 100 m. Đến phía Bắc ga Lương Sơn, tuyến rẽ trái vượt đường sắt và Quốc lộ 3 hiện tại ở km53+100 (vị trí km54 lý trình Quốc lộ 3 hiện tại). Tuyến đi bên trái Quốc lộ 3 hiện tại, nối vào điểm đầu tuyến tránh thành phố Thái Nguyên tại km61+313.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, gồm 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h. Trên tuyến có 6 nút giao, trong đó có 3 nút giao khác mức liên thông là: Nút giao Quốc lộ 1A, Quốc lộ 18, Sông Công và 3 nút giao khác mức là: Nút giao Sóc Sơn, Phổ Yên, và đường ngang số 17.
Các công trình trên tuyến gồm 29 cầu, trong đó 17 cầu lớn, 8 cầu trung, 4 cầu nhỏ với tổng chiều dài 1.378 m. Các công trình, thiết bị phục vụ khai thác bao gồm: Thiết bị duy tu bảo dưỡng, 01 trạm thu phí; Hệ thống giao thông thông minh bao gồm trung tâm điều khiển giao thông, 01 trụ sở hạt quản lý cầu đường, 1 trạm nghỉ và dịch vụ kỹ thuật...
Tổng mức đầu tư của Dự án là 8.140,4 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 6.093,1 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.011,3 tỷ đồng.
Được thiết kế với tiêu chuẩn cao nhất trong hệ thống đường bộ Việt Nam, do tư vấn Nhật Bản phối hợp với Tư vấn trong nước thiết kế xây dựng theo các công nghệ tiên tiến quốc tế, việc xây dựng tuyến đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên có mục tiêu tăng cường năng lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 3 cũ đã mãn tải và tăng cường giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa giữa Hà Nội với Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, góp phần xóa đói giảm nghèo, đưa kinh tế đất nước ngày một phát triển.
Công trình đồng thời còn góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ phía Bắc Thành phố Hà Nội, tạo tiền đề phát triển công nghiệp đô thị hóa khu vực phía Bắc sông Hồng thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.
Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp chính (PK1A, PK1B, PK1C, PK2) và các gói thầu cung cấp thiết bị duy tu bảo dưỡng, trạm thu phí, trạm dừng nghỉ.
Trong đó, gói thầu khởi công Dự án - PK2 (xây dựng đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên) do Liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO8) - Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG) - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (TSC) - Tổng công ty cổ phần Xuất nhật khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) trúng thầu với giá trị hợp đồng là 1.524.1 tỷ đồng trong thời gian thi công là 42 tháng.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, khi hoàn thành vào năm 2013, tuyến đường cao tốc này sẽ rút ngắn hơn một nửa thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội lên Thái Nguyên so với Quốc lộ 3 hiện hữu.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư