Xây dựng bệnh viện kéo dài, người bệnh thiệt thòi

Cập nhật 18/10/2018 10:28

Theo đại diện Ban quản lý dự án y tế trọng điểm (Bộ Y tế), vướng mắc lớn nhất dẫn đến việc chậm tiến độ xây dựng các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2... là việc thẩm tra thiết kế bị kéo dài.

Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: N.TRẦN

Dự kiến ngày 21-10, khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 mới xây dựng ở tỉnh Hà Nam sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.

Khởi công xây dựng từ năm 2014, Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 được coi là giải pháp để giảm tải các cơ sở y tế tuyến trung ương đang quá tải trầm trọng.

Theo dự kiến ban đầu, hai bệnh viện mới sẽ khánh thành vào năm 2017. Nhưng do tiến độ không đạt, đến năm 2018, khoảnh đất dành xây dựng hai bệnh viện vẫn im lìm.

Cuối tháng 5-2018, trong cuộc họp với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, các bên liên quan thông báo cả hai bệnh viện tạm dừng xây dựng trong khoảng 18 tháng do gặp các vướng mắc về thủ tục hồ sơ và thẩm tra thiết kế...

Là 2 trong số 5 dự án bệnh viện được đầu tư lớn, Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức mới được đầu tư xấp xỉ 5.000 tỉ đồng/bệnh viện, dự kiến đón bệnh nhân từ Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh bắc miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ra khám bệnh.

Các bệnh viện đã chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho cơ sở mới. Nhưng vì bệnh viện chậm tiến độ, bệnh nhân vẫn phải ra Hà Nội và bệnh viện tiếp tục quá tải.

Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai là một trong số ít ỏi cơ sở y tế chưa cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

Ở Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân tuy không nằm ghép nhưng phải nằm cáng, nằm hành lang...

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Trao đổi với báo chí ngày 16-10, đại diện Ban quản lý dự án y tế trọng điểm (Bộ Y tế) cho biết vướng mắc lớn nhất dẫn đến việc chậm tiến độ kể trên là việc thẩm tra thiết kế bị kéo dài.

Ông này cho biết các vướng mắc đã "được tháo gỡ" và đang làm tiếp các thủ tục để tháng 12 tới hoàn tất các khâu cuối cùng. Dự kiến các bệnh viện mới được giao cho bệnh viện quản lý từ quý 3-2019.

Một công trình nữa thuộc diện cần gấp nhưng cũng bị chậm là dự án xây dựng lại cơ sở 1 của Bệnh viện K (Hà Nội). Vì quá chậm trễ, Chính phủ từng yêu cầu đến tháng 10-2018 nếu không đáp ứng tiến độ, Chính phủ sẽ thu hồi vốn chuyển dự án khác.

Theo Bộ Y tế, hiện dự án này đã hoàn thành thủ tục để chuyển vốn sang thực hiện từ năm 2019.

Tháng 2-2019 Bệnh viện Ung bướu 2 TP.HCM hoạt động

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đang được xây dựng tại quận 9, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 khởi động từ năm 2009, quy mô 10 tầng lầu, 2 tầng hầm, 1.000 giường bệnh, có sân đậu trực thăng rộng 300m2 ở tầng trên cùng, tọa lạc trên khu đất 5,5ha. Quá trình chuẩn bị xây dựng bệnh viện phải qua 2 lần mời thầu và nhiều lần hoãn khởi công.

"Bệnh viện này là dự án cấp 1, có sân đậu trực thăng chưa từng thi công tại VN là một thách thức đối với tất cả các bên. Sự tiên liệu các điều kiện cho giai đoạn thi công chưa đầy đủ nên nhà thầu mất thời gian dừng thi công để bổ sung và điều chỉnh trong giai đoạn thi công" - đại diện nhà thầu lý giải.

Tư liệu: NGỌC HÀ - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-10, bác sĩ Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP - cho biết hiện nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các công đoạn cuối của dự án. Các máy móc, trang thiết bị y tế cũng triển khai đấu thầu được một số bộ phận.

Dự kiến đầu tháng 2-2019 bệnh viện hoàn thành, đưa vào hoạt động một số khu vực.

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ năm 2016 - 2020, đơn vị thực hiện tất cả 91 dự án bằng các nguồn vốn ngân sách từ trung ương, TP và theo hình thức đối tác công tư. Đến nay, mới chỉ Bệnh viện Nhi đồng TP quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỉ đồng đi vào hoạt động.

Hiện Thủ tướng đã duyệt chủ trương đầu tư 3 bệnh viện cửa ngõ TP.HCM là các bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức với tổng mức đầu tư hơn 5.600 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP.

Đây là 3 trong 6 dự án trọng điểm thuộc đề án quy hoạch ngành y tế TP.HCM từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Khởi công xây dựng Bệnh viện Truyền máu - huyết học cơ sở 2

Ngày 17-10, Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM cơ sở 2 có quy mô 300 giường được khởi công xây dựng tại cụm y tế xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với kinh phí xây dựng gần 500 tỉ đồng.

Bệnh viện có diện tích sàn xây dựng gần 34.000m2 cùng các khu chức năng như khu khám bệnh và điều trị ngoại trú, khu kỹ thuật nghiệp vụ, khu điều trị nội trú...

Ngoài phục vụ điều trị, bệnh viện còn phục vụ công tác truyền máu, lưu trữ máu cho ngành y tế thành phố. Dự kiến tháng 10-2020 công trình hoàn thành.

(THÙY DƯƠNG)



Diaoconline.vn – Theo Báo TTO