Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Quy hoạch kiến trúc đang hoàn thiện nghiên cứu thiết kế đô thị 3 tuyến đường quan trọng bậc nhất thành phố. Đó là đường Võ Văn Kiệt, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi và xa lộ Hà Nội.
Xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 2 giao thông thuận lợi, nhiều khu nhà cao tầng hiện đại đã mọc lên. Ảnh: CAO THĂNG
|
Đường Võ Văn Kiệt: “Hành lang xanh” hướng tới bảo tồn
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, tác giả nghiên cứu thiết kế đô thị đường Võ Văn Kiệt, con đường có chiều dài gần 24km đi qua 4 khu vực đô thị với những đặc thù hết sức riêng biệt. Đầu tiên là đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở phía quận 2, kế đến là trung tâm tài chính văn phòng lâu đời nằm ở quận 1, tiếp theo là trung tâm buôn bán, kinh doanh mang sắc thái của người Hoa ở quận 5 và cuối cùng là vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” một thời nhộn nhịp kinh doanh sầm uất xa xưa ở quận 6, quận 8. Bốn khu vực này sẽ có những hướng kiến trúc riêng phù hợp với các đặc trưng này.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những kiến trúc hiện đại. Khu quận 1 sẽ lưu giữ lại một số kiến trúc Pháp tiêu biểu cho một Sài Gòn xưa. Một số kiến trúc hiện đại ở đây sẽ được nghiên cứu cho hài hòa với không gian chung. Khu vực quận 5 và cả quận 6, 8, không thể không quan tâm đến các hoạt động thương mại nhộn nhịp gắn với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - con kênh chạy suốt đường Võ Văn Kiệt, của cả người Việt lẫn người Hoa. Chính vì thế, dự kiến ở đây sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại của người dân vừa tái hiện lại không gian của những ngày đầu hình thành nên đô thị Sài Gòn. Ngày ấy, hàng hóa từ miền Tây Nam bộ đa phần được đưa lên TPHCM bằng đường thủy và cập bến ở khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp…, những khu chợ như vậy rất đông đúc và là điểm rất hấp dẫn khách du lịch.
Xa lộ Hà Nội: Phát triển đô thị hiện đại
Khác với đường Võ Văn Kiệt - một tuyến giao thông xuyên tâm, xa lộ Hà Nội dài 18-19km là một trong những tuyến giao thông cửa ngõ huyết mạch của TPHCM. Nơi đây không có cảnh quan sông nước trữ tình chạy suốt dọc tuyến đường như đại Võ Văn Kiệt mà chỉ có… xe rầm rập lưu thông suốt ngày đêm và tuyến metro số 1 đang được xây dựng. Dọc hai bên đường, nhiều khu nhà cao tầng, hiện đại đã mọc lên. Nhiệm vụ thiết kế đô thị ở xa lộ Hà Nội vì thế rất khác với đường Võ Văn Kiệt.
Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch TPHCM thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc - chủ nhiệm đề tài, vấn đề chính ở đây là tìm kiếm ý tưởng thiết kế đô thị có thể làm giảm đi tác động xấu của cường độ giao thông lớn lên cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận tiện với giao thông nhưng vẫn an toàn, tiện lợi. Như thế sẽ có những khoảng cách ly an toàn cho người dân trước khi tiếp cận xa lộ Hà Nội và các trục giao thông đông đúc khác trong khu vực. Các ý tưởng có thể bắt đầu từ màu sắc, tính chất thân thiện với thiên nhiên của các vật liệu xây dựng công trình, các quy định về vỉa hè, hàng rào cho tới các quy định về kiến trúc che chắn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật khô cứng (những trụ bê tông của tuyến metro số 1, của các cầu vượt…). Là cửa ngõ ra vào nhộn nhịp bậc nhất TPHCM, tất yếu kiến trúc của các công trình nơi đây nên là những kiến trúc hiện đại với độ nén cao để tiết kiệm đất. Dự kiến, đô thị sẽ nén dần về phía cầu Sài Gòn và dãn dần ra phía cầu Đồng Nai.
Nằm ở khu vực cao của TPHCM, khu vực xa lộ Hà Nội đi qua không có nhiều kênh, rạch nhưng phần đầu xa lộ Hà Nội lại tiếp giáp với sông Sài Gòn và phần cuối tiếp giáp với sông Đồng Nai. Ở những khu vực này, để cả cộng đồng có thể được hưởng chung bầu không khí trong lành và cảnh quan xinh đẹp, các kiến trúc sư đề nghị: việc xây dựng các công trình cao tầng dọc bờ sông phải được cân nhắc rất kỹ.
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi: Chỉnh trang đô thị
Đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi dài 15,33km là trục giao thông quan trọng nối sân bay Tân Sơn Nhất đi ra cửa ngõ phía Đông Bắc của TPHCM. Tuyến đường đi qua nhiều khu vực dân cư chật chội, cũ kỹ, xuống cấp của thành phố thuộc các quận Gò Vấp, Bình Thạnh… nên nhiệm vụ chính của thiết kế đô thị dọc tuyến đường chính là chỉnh trang đô thị. Cải tạo đô thị cũ, xây dựng đô thị mới hiện đại hơn.
Dọc tuyến còn có một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Lần chỉnh trang đô thị này sẽ kết hợp di dời toàn bộ các cơ sở đó ra ngoại ô. Đô thị sẽ nén dần về phía quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và dãn dần ra phía quận Thủ Đức. Khuyến khích các công trình cao tầng để dành đất, dành không gian cho các công trình công cộng. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Xuân Thụ - chủ nhiệm đề tài: tương tự như ở xa lộ Hà Nội, nên cân nhắc việc xây dựng các công trình ở khu vực bờ sông Sài Gòn để giữ sự thông thoáng và cảnh quan chung cho cả cộng đồng.
Để đảm bảo an toàn cho người đi đường trước áp lực giao thông của một tuyến giao thông huyết mạnh, vỉa hè và lối đi xe đạp riêng sẽ được quan tâm tối đa. Cùng với các phương tiện giao thông cá nhân đưa đón người dân đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, xe điện… sẽ được nghiên cứu đầu tư mạnh mẽ.
Dự kiến, phạm vi nghiên cứu của cả 3 tuyến đường từ 100m - 150m tính từ ranh giới đường trở vào trong.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng