Xây để... bỏ hoang và cho thuê !

Cập nhật 22/11/2007 17:00

Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tạo ra nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân, vài năm gần đây, nhà văn hóa (NVH) phường - xã trên địa bàn TP.HCM được xây dựng nhiều. Thế nhưng, không ít NVH phường - xã phải “trùm mền” hoặc bị “xẻ thịt” cho thuê một cách lãng phí.

Hàng tỉ đồng phơi mưa nắng

Nằm trên khu đất ao, bao quanh là lau sậy, NVH phường Phú Hữu, quận 9 gần như tách biệt với khu dân cư. Tìm đến NVH này cũng không mấy dễ dàng do đường đất dẫn vào không có tên, phía trước không trương bảng hiệu.

Tại đây, mới 9 giờ sáng, nhưng phía trong khuôn viên NVH đã có một nhóm thanh niên ngồi quây quần đánh bài. Một thanh niên tự xưng là bảo vệ ở đây nói lạnh nhạt: “Muốn hỏi gì thì xuống phường. Ở đây đóng cửa im ỉm 2 năm nay rồi!”.

Quan sát một vòng, chúng tôi nhận thấy dù là NVH xã nhưng ở đây phòng ốc rất tươm tất, có đủ thư viện, phòng họp, phòng máy vi tính và cả một sân khấu ngoài trời khá quy mô, nhưng tất cả đều bị... khóa trái cửa.

Gặp chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hữu Nguyễn Hoàng Vũ không giấu giếm: “NVH nằm ở trong kẹt, đường sá lại không thuận tiện nên mấy lần có đoàn ở TP xuống biểu diễn văn nghệ nhưng chẳng có ai buồn đến, dù cán bộ phường chạy xe đi phát loa thông báo khắp nơi!”. Ông Vũ cho biết NVH phường Phú Hữu có diện tích trên 6.500 m2, được xây dựng từ năm 2003 bằng kinh phí xóa đói giảm nghèo của TP gần 2,5 tỉ đồng. Giữa năm 2005 đưa vào hoạt động rồi bị... bỏ quên đến nay!

NVH phường Phú Hữu chỉ là điển hình lãng phí của hàng chục NVH phường - xã ở ngoại thành được xây dựng bằng nguồn kinh phí xóa đói giảm nghèo.

Kết quả giám sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP), cũng đã “lòi” ra nhiều NVH bị sử dụng lãng phí khác như NVH xã Hiệp Phước và Phước Lộc (huyện Nhà Bè), kinh phí xây dựng vài tỉ đồng nhưng chỉ hoạt động “nửa dơi nửa chuột”. NVH xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) được xây dựng trên diện tích 7.000 m2 nhưng nhiều năm nay xuống cấp trầm trọng, NVH xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) thì bị bỏ hoang phế...



Nhà Văn hóa phường Phú Hữu, quận 9 bị bỏ
 hoang lâu ngày, trở thành nơi tụ tập để đánh
bài của thanh niên địa phương. Ảnh: V. LÊ.


Chức năng chính: Cho thuê!

Quận 10 là nơi có nhiều NVH phường (7/15 phường có NVH) bậc nhất TP. Rảo qua một vòng, chúng tôi thấy hầu hết các NVH phường đều hoạt động náo nhiệt. Thế nhưng, hoạt động thực chất của một số NVH phường ở quận này không phải là để phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Nằm khuất trong các lô chung cư Sư Vạn Hạnh, NVH phường 2, quận 10 lúc nào cũng nườm nượp người ra vào. Phía dưới tấm bảng NVH phường là dòng chữ to tướng: “Câu lạc bộ thể hình”. Tầng trệt của NVH được ưu tiên cho lớp dạy thể hình, phía trước sân kinh doanh cà phê, còn trên lầu 1 cửa đóng im ỉm. Chị chủ quán cà phê cho biết: “Lầu 1 chỉ để các đoàn thể hội hè vào các ngày lễ nhưng rất hiếm, còn phía dưới cho thuê không dưới 8 triệu đồng/tháng!”.

Nằm ở mặt tiền đường Lý Thái Tổ nên NVH phường 1, quận 10 hoành tráng hơn. Tấm biển “Nhà văn hóa phường” đã bị lấn át bởi hàng loạt bảng hiệu: “Trung tâm tin học”, “Thể dục thẩm mỹ”, “Shop hoa tươi”, “Sóng nhạc”... và bắt mắt nhất là dòng chữ “Nơi đây có Internet máy lạnh”. Một cán bộ Phòng VHTT quận 10 “bật mí”: “NVH này “hoạt động hiệu quả” do tiền cho thuê hằng tháng lên đến 25 triệu đồng (!?)”.

Có “vỏ” nhưng không có “ruột”

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa (Sở VHTT), cho rằng nguyên nhân chính khiến hầu hết các NVH phường - xã trên địa bàn TPHCM hoạt động không hiệu quả là do không có quy chế hoạt động. Có nơi, quận - huyện tự ban hành quy chế tạm thời, kinh phí hoạt động lại phải tự chủ nên việc cho thuê mướn ở các NVH cũng khó có cơ sở để nói là sai hay đúng! Chưa kể, nhân sự làm việc ở các NVH cũng chưa có quy định rõ ràng nên hầu hết mỗi cán bộ phụ trách văn hóa phường - xã phải kiêm luôn vai trò quản lý NVH. “Như vậy chẳng khác nào NVH có “vỏ” nhưng chưa có “ruột”” - ông Vinh nói.

Tại một hội nghị chuyên đề mới đây do UBND TP tổ chức về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhiều đại biểu đặt vấn đề rằng TP có nhất thiết phải xây dựng ở mỗi phường - xã một NVH, trong khi ở nhiều nơi, trung tâm văn hóa, rạp chiếu phim nằm san sát NVH phường.
 
Việc xây dựng NVH phường - xã sẽ lãng phí và mang tính hình thức nếu NVH không đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng tại địa phương.


Theo Người Lao Động