Xây cụm công nghiệp: Thiếu chính sách, yếu đầu tư

Cập nhật 12/05/2010 15:10


Cụm công nghiệp Hắc Dịch ở Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Hiện nay, tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp đang rất chậm, tỷ lệ lấp đầy thấp so với khu công nghiệp, do các nhà đầu tư chưa "mặn mà" với các cơ chế ưu đãi thiếu hấp dẫn của các địa phương.

Nhà đầu tư không mặn mà

Trên thực tế, đa số địa phương đều đã có cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp hiện chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp cũng như đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Điều này dẫn tới tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp chậm, tỷ lệ lấp đầy thấp so với khu công nghiệp.

Ông Lê Quốc Hợp, Trưởng phòng Quản lý Cục Công nghiệp địa phương cho biết, hiện cả nước đã quy hoạch phát triển 1.872 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 76.520ha, trong đó, có 918 cụm công nghiệp đã được thành lập và đang hoạt động với diện tích đất khoảng 40.600ha.

Tuy nhiên, hiện diện tích đã sử dụng và cho thuê trong các cụm công nghiệp cả nước chỉ là 7.500ha, chiếm 26,4% tổng diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động.

Theo phản ánh của các địa phương, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, vốn vay nên các cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng nhà xưởng để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê. Đặc biệt là đầu tư hệ thống công trình xử lý nước thải. Do đó, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhìn chung, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp rất chậm.

Các nhà đầu tư cũng kém mặn mà với cụm công nghiệp do thiếu chính sách ưu đãi, hầu hết các cụm công nghiệp đều nằm ở các vị trí không thuận lợi về giao thông (xa các tuyến giao thông trọng điểm); địa bàn nông thôn, nơi hạ tầng công nghiệp chưa phát triển.

Thu hút bằng chính sách

Bộ Công Thương định hướng, đến năm 2015 sẽ nâng tỷ lệ lấp đầy bình quân cả nước của các cụm công nghiệp đạt khoảng 50-55%, nâng tổng diện tích của cụm công nghiệp thành lập lên từ 60.000 đến 65.000ha.

Để giải quyết các vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp thì việc ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp là rất cần thiết.

Bộ Công Thương đề xuất cụm công nghiệp cần được ưu đãi giống như đối với khu công nghiệp theo Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ này cho rằng, việc ưu đãi đầu tư đối với cụm công nghiệp là rất cần thiết để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thu hút đầu tư; đồng thời đảm bảo sự ưu đãi của Nhà nước đối với cụm công nghiệp được ngang bằng với khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, cụm công nghiệp cần được hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư để lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương quy định mức và bố trí vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp trước khi thành lập; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong cụm công nghiệp.

Bộ Công Thương đề xuất mức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp ở các địa phương không quá 10 tỷ đồng/cụm và tổng mức hỗ trợ không quá 100 tỷ đồng/tỉnh.

Theo dự tính của Cục Công nghiệp địa phương, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp đến năm 2015 dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho gần 900.000 lao động.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+