Xây cầu hay hầm?

Cập nhật 29/09/2016 15:14

Trong thực tế việc xây cầu hay hầm qua sông Hàn mới chỉ là những ý tưởng, kế hoạch ban đầu, nhưng đất ở những khu vực gần nơi dự kiến công trình đi qua đã lên cơn sốt.

Phải đáp ứng nhiều yêu cầu

UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức cuộc thi phương án thiết kế đầu tư xây dựng công trình vượt sông Hàn. Đã có 7 phương án chính thức dự thi, trong số 13 đề xuất của 6 công ty và liên danh đến từ các công ty tư vấn thiết kế trong và ngoài nước. Đây là cuộc thi nhằm lựa chọn được phương án thiết kế đầu tư xây dựng tối ưu, tăng cường kết nối giao thông hai bờ sông Hàn. Trước đó, TP. Đà Nẵng cũng đã có nhiều cây cầu nổi tiếng qua sông Hàn như Thuận Phước, cầu sông Hàn, cầu Rồng hay Trần Thị Lý…


Khu vực dự kiến xây dựng cầu hoặc hầm vượt sông Hàn

Dự kiến, công trình cầu hoặc hầm vượt sông Hàn mới sẽ được xây dựng ở khu vực giữa cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước. Theo đó, công trình sẽ nối khu vực nút giao thông Như Nguyệt - Bạch Đằng - Đống Đa - Trần Phú - đường 3 Tháng 2 (quận Hải Châu) với nút giao thông Trần Hưng Đạo - Vân Đồn - Trần Thánh Tông (quận Sơn Trà).

Đây là công trình giao thông cấp 1, quy mô vĩnh cửu; khổ thông thuyền không ảnh hưởng đến việc lưu thông các loại tàu, thuyền du lịch trên sông, kể cả thuyền buồm. Công trình phải tạo ra thương hiệu cho TP. Đà Nẵng, hài hòa cảnh quan sông Hàn, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến tầm nhìn ra biển và bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt, đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động lễ hội trên sông Hàn...

Về mặt kiến trúc, công trình giao thông mới phải góp phần tạo dựng thương hiệu của TP. Đà Nẵng; Chú trọng tính hình tượng, bảo đảm độc đáo, thẩm mỹ và khả thi cao; bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động lễ hội trên sông Hàn phục vụ cho phát triển du lịch. Trong khi, công nghệ thi công yêu cầu phương án có tính khả thi cao với điều kiện của địa phương, duy tu bảo dưỡng thuận lợi. Kinh phí đầu tư xây dựng phù hợp, hạn chế công tác đền bù giải tỏa...

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GT-VT TP. Đà Nẵng, các yêu cầu về thiết kế, đối với mặt quy hoạch, phải tuân thủ định hướng quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công trình trọng điểm của Đà Nẵng, nên thành phố đang tính toán để xây dựng một công trình hội đủ các tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, đồng thời xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố năng động, mỹ quan.

Thực tế, hiện nay vấn đề ùn tắc giao thông đã xảy ra khá nghiêm trọng tại các khu vực gần cầu sông Hàn, cầu Rồng... Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đầu tư xây thêm cầu hoặc hầm qua sông Hàn, bởi hiện nay lưu lượng xe qua cầu đã quá tải, thường tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Theo đó, năm 2012 lượng xe qua cầu sông Hàn mới đạt khoảng 33 nghìn lượt, đến năm 2015 đã tăng lên hơn 53 nghìn lượt.

Phương án hầm đang yếu thế

Trong 7 phương án chính thức dự thi có đến 6 phương án đề xuất xây dựng cầu. Chỉ có 1 phương án duy nhất xây hầm vượt sông do Liên danh CTCP và tư vấn thiết kế cầu Lớn - hầm (Việt Nam) và Oriental Consultants Global company Ltd. (Nhật Bản), tư vấn xây dựng hầm chui với sáu làn xe hai chiều, dài 1,3km, 900m hầm chui qua lòng sông; thời gian thi công khoảng 36 tháng, kinh phí xây dựng khoảng 4.100 tỷ đồng, 26 tỷ đồng để vận hành và bảo dưỡng/năm.

Một số phương án đề xuất xây dựng cầu như CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng GT-VT Việt Nam với 2 phương án. Phương án 1 là làm cầu dây văng tháp cánh buồm gần 2.800 tỷ đồng. Phương án 2 làm cầu dây văng tháp chim hạc, không giải tỏa nhà dân, tổng kinh phí khoảng 2.600 tỷ đồng.

Liên danh Công ty TNHH Chodai (Nhật Bản) và Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông cũng đưa ra 3 phương án, trong đó đề xuất lựa chọn phương án làm cầu nâng mang biểu tượng con thuyền giữa sông Hàn, tổng vốn đầu tư 1.200 - 1.500 tỷ đồng, thời gian thi công 24 tháng, dự kiến chi phí vận hành, bảo dưỡng tháp nâng khoảng 5-7 tỷ đồng/năm và có thể khai thác sàn dịch vụ và đài vọng cảnh.

Ngoài ra, Công ty Liên danh CP Tư vấn thiết kế GT-VT Hà Nội đề xuất phương án làm cầu vượt nổi mang biểu tượng cánh buồm trên sông Hàn có kết hợp cầu nâng tấm thép 1.200 tấn. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng (chi phí xây dựng khoảng 1.200 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 195 tỷ đồng), thời gian xây dựng khoảng 3 năm; chi phí bảo dưỡng, bảo trì khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Công ty TNHH Đầu tư VTCO (Việt Nam) và Công ty Tư vấn Pedelta S.L (Tây Ban Nha) đề xuất phương án cầu nổi hình chim phụng cao lên giữa sông, có nhạc nước, có phần dành cho người đi bộ; tổng đầu tư 2.500 - 2.700 tỷ đồng. Còn Liên danh Công ty OTB (Anh Quốc) và CTCP Tư vấn và Đầu tư xây dựng EEC (Việt Nam) đưa ra 3 phương án, trong đó đề xuất lựa chọn phương án xây dựng cầu nổi vòm gần 2.200 tỷ đồng…

Được biết, Ban tổ chức sẽ căn cứ kết quả chấm điểm của Hội đồng thi tuyển để trao giải nhất trị giá 100 triệu đồng, giải nhì 70 triệu đồng, giải ba 50 triệu đồng. Đặc biệt, đơn vị tư vấn đạt giải nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn mời đàm phán, thương thảo để ký kết hợp đồng và triển khai các bước tiếp theo.

Trong thực tế việc xây cầu hay hầm qua sông Hàn mới chỉ là những ý tưởng, kế hoạch ban đầu, nhưng đất ở những khu vực gần nơi dự kiến công trình đi qua đã lên cơn sốt. Theo đó, giá đất ở các phường Phước Mỹ, Nại Hiện Đông, Thuận Phước… thuộc quận Sơn Trà đã và đang tăng giá đến chóng mặt trong thời gian gần đây.

Hàng loạt tuyến đường mà thông tin dự án cầu hoặc hầm vượt sông Hàn sẽ đi qua và vùng lân cận giá đất được thổi lên từng ngày. Cụ thể, mặt tiền đường Trần Thánh Tông trước đây chỉ rao bán từ 1,1-1,5 tỷ đồng/lô khoảng 100m2, nay được thổi lên với giá 2,5 - 3 tỷ đồng/lô, thậm chí có người còn bán được với giá cao hơn...

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng