Xa vời “giấc mơ” nhà thương mại giá rẻ

Cập nhật 15/07/2020 11:35

Để mong có nhà ở thương mại giá rẻ cần sớm đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án, giảm tiền thuế đất cho nhà đầu tư cũng như không “đẻ” thêm các thủ tục pháp lý.

Để có nhà ở thương mại giá rẻ, cần đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án, giảm tiền thuế đất cho nhà đầu tư. Ảnh: Chung cư The Pride, Hà Đông.

Theo số liệu thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, năm 2019 giá nhà ở chung cư tại 4 quận nội thành Hà Nội (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) dao động ở mức từ 45 - 120 triệu đồng/m2.

Thủ tục đẩy giá nhà

Như vậy, nếu tính ở mức giá tối thiểu 45 triệu đồng/m2 thì một căn hộ 80m2 sẽ có giá khoảng 3,6 tỷ đồng, tức bằng 56 năm thu nhập bình quân của người Việt nếu không tính mọi khoản chi phí ăn tiêu, sinh hoạt.

Giá nhà đang quá cao và vượt xa mức thu nhập của đại đa số người dân lao động. Nguyên nhân của thực trạng trên đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra, tập trung vào 2 vấn đề lớn là giá đất cao và đặc biệt là sự chồng chéo, hạn chế của các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở đẩy giá nhà lên cao.

Điều tra của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, hiện đang có tới hơn 20 điểm chồng chéo trong chính sách liên quan đất đai, xây dựng. Đơn cử như những vướng mắc liên quan đến đất đai xuất phát từ những hạn chế, xung đột của Luật Đất đai 2013 với thực tiễn và các Luật khác hiện hành.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HOREA) cho rằng, quy trình thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất hiện nay đang mất rất nhiều thời gian. Theo đó, doanh nghiệp phải mòn mỏi chờ đợi 2-3 năm hoặc hơn và phải qua “nhiều cửa” mới nộp được tiền sử dụng đất, dẫn đến dự án nhà ở chậm được triển khai thực hiện.

Không chỉ vướng về thủ tục liên quan đến đất, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Constrexim còn cho rằng hiện hệ số tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở hiện đang quá cao, dẫn đến giá nhà lên theo. Bên cạnh đó, việc chậm vương mắc trong thủ tục khiến dự án chậm tiến độ, chi phí phát sinh cũng khiến cho giá thành sản phẩm bị cao lên.

Khó có nhà ở giá rẻ?

Trước thực trạng nhà chung cư thương mại 25 triệu đồng/m2 tại Hà Nội đã biến mất, thậm chí giá nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp có dự án cũng đã leo lên đến mức cận 20 triệu đồng/m2, Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có những động thái vào cuộc. Mới đây, tại Diễn đàn BĐS 2020, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã thông tin về việc Chính phủ có các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội như chính sách về tín dụng, rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015.

Đặc biệt, theo ông Sinh, hiện Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020. Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng (bao gồm cả VAT).

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Động thái này được kỳ vọng sẽ mở ra lối thoát cho cải tạo chung cư cũ vốn đã luẩn quẩn cả thập kỷ qua.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn VIDEC cho rằng, doanh nghiệp sẽ gặp khó khi đưa ra mức trần không quá 20 triệu đồng/m2. Hiện các yếu tố cấu thành nên giá của BĐS nhà ở đều rất cao, đặc biệt là tiền sử dụng đất. “Để mong có nhà ở thương mại giá rẻ, cần sớm đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án, giảm tiền thuế đất cho nhà đầu tư cũng như không "đẻ" thêm các thủ tục”, ông Dũng chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, việc tháo gỡ những chồng chéo trong các quy định của pháp luật liên quan đến nhà ở và BĐS cần xem như “cứu hỏa”, sớm ngày nào tốt ngày đó vì không chỉ người dân phải mua nhà giá cao mà rất nhiều doanh nghiệp BĐS cũng đang “hấp hối”.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN