Xã hội hóa tối đa nguồn vốn cho giao thông vận tải

Cập nhật 15/02/2011 11:15

Năm 2011 được dự báo sẽ là năm có nhiều thách thức cho ngành GTVT trong nhiệm vụ tiếp nối những thành công “ấn tượng” về thực hiện, giải ngân XDCB. Giải pháp trọng tâm, ưu tiên số 1 là huy động xã hội hóa tối đa nguồn vốn cho các công trình, dự án.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh giải pháp huy động xã hội hóa nguồn vốn cho GTVT trong năm nay. Ảnh: Chinhphu.vn

 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh nhiệm vụ này trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của ngành Giao thông vận tải (GTVT) sáng nay, 14/2.

Trách nhiệm giải quyết các bức xúc của các “Táo giao thông”

Ví mỗi đại biểu trong Hội nghị như một “Táo giao thông”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong muốn Hội nghị sẽ có những đánh giá sát thực; thảo luận giải pháp tháo gỡ hiệu quả được từng vấn đề mà dư luận, xã hội còn bức xúc, tạo điều kiện cho ngành Giao thông phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.

Về nội dung quản lý Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều nỗ lực và cố gắng, hoàn thành cơ bản về chương trình xây dựng cơ chế, xây dựng được nhiều chiến lược, quy hoạch trong cả 5 phân ngành giao thông cơ bản. Đây là tiền đề để tạo hành lang thúc đẩy các mảng sản xuất, kinh doanh “bùng nổ” như năm vừa qua.

Xây dựng cơ bản trong GTVT đạt được thành tích tốt nhất từ trước đến nay, thay đổi bộ mặt “vốn chờ công trình” trước đây. Lý do chính là vấn đề này đã phân cấp mạnh mẽ (10,000 tỷ đồng đã phân cấp đầu tư xuống các địa phương).

Năm 2010, quản lý vận tải cũng đạt nhiều thành tích lớn với mức độ tăng trưởng 20-30%, trong khi đầu tư về hạ tầng mới chỉ đáp ứng được trên 40% nhu cầu. Cho đến thời điểm này. Ứng phó với các vấn đề thiên tai, mưa lũ, đảm bảo thông suốt giao thông trong những thời điểm khó khăn.

Lồng ghép, xã hội hóa tối đa các nguồn vốn

Tán thành với những đánh giá, giải pháp khắc phục các tồn tại, yếu kém của ngành, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi ý kiến đề xuất được ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những yếu kém đó.

Với 4 chỉ tiêu chủ yếu, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp đề ra cho ngành Giao thông, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp về quản lý Nhà nước, với tinh thần các nhiệm vụ, công việc phải thực hiện đúng theo kế hoạch, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, cải cách hành chính tháo gỡ tối đa để huy động mọi nguồn vốn.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách, vốn có nguồn gốc ngân sách cho ngành Giao thông được dự báo hết sức khó khăn, Phó Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm kích thích đầu tư xã hội hóa giao thông (các mô hình BOT, BT) , đặc biệt các mô hình PPP (hợp tác công tư) sẽ được khuyến khích hàng đầu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT sớm có kế hoạch tận dụng, lồng ghép các nguồn vốn nước ngoài khác như nguồn vốn từ Quỹ chống biến đổi khí hậu quốc tế. Đây là nguồn vốn rất lớn nhưng từ trước đến nay chúng ta chưa tận dụng được, vì thế cần phải xây dựng mô hình để kêu gọi đầu tư cho các dự án xây dựng giao thông ven biển, vùng chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai…


Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong năm 2010. Ảnh: Chinhphu.vn 

Thách thức về vốn trong năm 2011

Theo báo cáo của Bộ GTVT, 2010 là năm ngành đạt được mức giải ngân cao kỷ lục từ trước tới nay. Với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cả năm 2010, toàn ngành thực hiện 12,585,5 tỷ đồng, đạt 191.4% kế hoạch; giải ngân 10,686,8 tỷ đồng, đạt 162.5% kế hoạch. Vốn nước ngoài thực hiện 8,767.8 tỷ đồng, đạt 287.7% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 63.3%; giải ngân 7,486,8 tỷ đồng, đạt 245.7% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 37.2%. Vốn đối ứng các dự án ODA thực hiện 2,588 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 25.3%; giải ngân 2,114 tỷ đồng tăng 16%...

Nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Dự án cầu Cần Thơ, Cảng hàng không Cần Thơ, Cầu Thanh Trì (gói 3 và gói 3A); cầu Pá Uôn, cầu Hàm Luông, cầu Phùng, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh –Trung Lương; cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long…. Đồng thời, có nhiều công trình GT trên cả nước được khởi công như đường cao tốc Hà Nội –Thái Nguyên, đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh, đường vành đai 3 giai đoạn 2; cầu Bến Thủy 2, QL6 đoạn Tuần Giáo –Mường Lay, QL 24 đoạn Quảng Ngãi – Kom Tum, QL30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự; Dự án WB5, WB6; Dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; đường lăn sân đỗ nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài…. Tổng cộng, toàn ngành đã hoàn thành làm mới, nâng cấp cải tạo 1,056km đường bộ, xây mới 8,704m cầu đường bội; thay và tà vẹt 20km đường sắt, 53km hàng rào hộ lan; xây dựng 385m cầu cảng biển….

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức thì bước sang năm 2011, ngành đang đứng trước thách thức lớn về nguồn vốn, khi một số công trình đã thi công và hoàn thành thủ tục thanh toán nhưng không bố trí được nguồn vốn để thanh toán cho các nhà thầu, một số công trình đang thi công dở dang thì hết vốn.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến tham luận đề nghị có phương án bổ sung vốn đối ứng hoặc cho phép ứng trước kết hoạch năm 2012 để Bộ GTVT thực hiện các dự án chuyển tiếp, đồng thời, đẩy mạnh việc ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi về vốn để các doanh nghiệp có thể đầu tư cho giao thông.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ