Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ ưu tiên người dân vay tiền mua nhà. Trong ảnh: Một góc khu nhà ở cao tầng Trung Hòa - Nhân Chính. Images: Hải Linh |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội, với tổng diện tích lên tới 150 triệu mét vuông, tương đương nguồn vốn đầu tư 300.000 - 400.000 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và để đáp ứng được nhu cầu này rất cần các nguồn vốn phi ngân hàng như Quỹ Tiết kiệm nhà ở.
Khó đi vào thực tế
Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề án lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Theo đó, Quỹ hoạt động theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận với mức đóng góp tự nguyện 1% tiền lương hàng tháng của người lao động và được hưởng lãi suất 3 - 5%/năm. Sau khi hình thành, Quỹ được ưu tiên cho người dân vay tiền mua nhà ở và dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi.
Mặc dù đánh giá cao mục tiêu tốt đẹp trong việc giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ khó đi vào thực tế. Bởi việc đóng góp tự nguyện là tốt, song có cần quy định đóng 1% lương hàng tháng của người dân? Đồng thời, những người muốn nhanh có nhà, muốn đóng góp nhiều hơn sẽ như thế nào? Bên cạnh đó, ngoài việc ưu tiên cho người dân vay mua nhà là hợp lý, nhưng nếu dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, liệu có dễ nảy sinh tiêu cực? Và trong trường hợp thất thoát tiền, cơ chế nào sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân?
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã khảo sát mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở của một số nước trên thế giới như mô hình của Singapore và Mỹ. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình của Singapore là Nhà nước bắt buộc người lao động có hợp đồng phải nộp một khoản tiết kiệm nhà ở khiến người lao động không hào hứng tham gia. Mô hình của Mỹ là Nhà nước hỗ trợ thông qua việc hỗ trợ tín dụng vay mua nhà và việc hỗ trợ này đã trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ và lan ra toàn thế giới, do bắt nguồn từ việc cho vay dưới chuẩn tín dụng bất động sản.
Tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp
Mới đây, Công ty Schwaebisch Hall Bausparkasse, CHLB Đức, đã giới thiệu mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở của Đức. Đây là mô hình do người dân tự nguyên tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hoá, nghĩa là thay vì sử dụng vốn chính sách, thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân. Theo đó, nguyên tắc hoạt động của Quỹ này tại Đức theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, người dân gửi tiết kiệm hàng tháng qua một thời gian đến khi họ đạt được 1/2 giá trị căn hộ họ muốn mua. Giai đoạn thứ hai, khi đã tiết kiệm được một nửa, người gửi được phép vay nửa còn lại với lãi suất thấp để đủ mua căn hộ họ mong ước, thời gian còn lại họ sẽ dần dần trả lại khoản vay.
Ông Volker Bloemer, đại diện Công ty Schwaebisch Hall Bausparkasse, cho biết: Đây là mô hình đóng, tiền của người gửi không bị sử dụng ở thị trường tín dụng tự do, nên không có chuyện bị mất đi hoặc bị chiếm đoạt. Mô hình này giảm tải sức ép tài chính cho Nhà nước, thay vì Chính phủ phải bỏ tiền ra từ đầu cho người dân với số lượng lớn, Chính phủ chỉ phải bỏ ra một chút ban đầu để khuyến khích người dân tham gia tiết kiệm cho mục đích có nhà ở.
Theo ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, một điểm quan trọng ở đây là nguồn vốn chỉ dùng cho nhà ở, tức là chỉ sử dụng cho mục tiêu có nhà ở và những người muốn có nguồn vốn này phải tham gia tiết kiệm trong một khoảng thời gian. Khi họ tiết kiệm được 50% thì họ được vay 50%. Có nghĩa là sử dụng nguồn vốn là nguồn vốn tiết kiệm và đầu tư ra chỉ đưa vào mục đích đầu tư nhà ở cho khách hàng. Do đó, nguồn vốn này sẽ không ảnh hưởng tới đầu cơ và ảnh hưởng tới lạm phát.
Trên thực tế, mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở đã được áp dụng thành công tại Đức nên mô hình này rất cần những người có trách nhiệm của Bộ Xây dựng xem xét. Bởi tại Việt Nam, nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân ở khu vực đô thị rất cao, trong khi đó, nhiều người chưa đủ điều kiện và khả năng mua được, thì mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở của Đức mở ra một hướng mới cho người dân.
Về chủ trương, "Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ là cầu nối giúp cho dân nghèo, những người có thu nhập thấp tăng cơ hội được mua nhà" đó là một hành động thiết thực, rất cần cổ vũ thực hiện. Và để thành công, việc lựa chọn mô hình áp dụng cho Việt Nam rất cần được cân nhắc và Quỹ Tiết kiệm nhà ở Đức là một lựa chọn sáng giá.
TS. Vũ Đình Anh Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị