Xã hội hóa nguồn vốn xây hầm đường bộ đèo Cả

Cập nhật 25/10/2010 09:20

Dự án hầm đường bộ đèo Cả được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng đánh giá cao khi nhà đầu tư tư nhân đã tự tiếp cận được với ngân hàng nước ngoài để tìm nguồn vốn tài trợ với hình thức tín dụng xuất khẩu có lãi xuất thấp.


Phối cảnh hầm qua đèo Cả. (Nguồn: Internet)

Đây được xem như một dự án điển hình hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông của Chính phủ khi các nguồn vốn khác đang dần hạn hẹp và bị thắt chặt.

Mỗi năm tiết kiệm gần 5 triệu USD


Nằm trên Quốc lộ 1A, nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đèo Cả có tới 116 đường cong, độ dốc dọc lớn, phổ biến từ 8-10%, đặc biệt có hai đoạn cua tay áo tại Km 1358+900 và Km 1359+400 hết sức nguy hiểm.

Song đây là tuyến đường huyết mạch trên Quốc lộ 1A nên các xe bắt buộc phải vượt qua đoạn đường này như một “cửa ải” hiểm nguy. Lưu lượng xe lại lớn vì là đường độc đạo nên không khó hiểu tại sao ở đây luôn xảy ra tai nạn giao thông chết người.

Đèo Cả trong tiềm thức của các tài xế thật sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Đó là chưa kể, hầu như mùa mưa nào cũng có tình trạng đất đá trên núi sạt lở nằm chắn ngang đường đèo, gây tắc ngẽn giao thông đến vài ngày. Do khó khăn trong giao thông qua khu vực đèo Cả đã khiến cho việc phát triển kinh tế - văn hóa địa phương, khu vực cũng như cả nước chưa phát huy được hết tiềm năng sẵn có.

Nhận thấy việc xây dựng hầm đường bộ đèo Cả sẽ mang lại lợi ích kinh tế - văn hóa - xã hội rất lớn cho khu vực Miền Trung nên Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cùng với Ủy ban Nhân dân hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã có công văn đề nghị thực hiện dự án hầm đường bộ đèo cả theo hình thức BOT và BT, với tổng số vốn lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Ngày 16/10 vừa qua, Công ty đã tiến hành khởi công hai khu tái định cư dự án hầm đường bộ đèo Cả.

Theo thiết kế, hầm đường bộ đèo Cả sẽ được xây dựng chui dưới đèo Cả (từ Km 1353+500 đến Km 1373+500) đoạn Tuy Hòa - Nha Trang thuộc địa phận tỉnh Phú Yên (phía bắc) và tỉnh Khánh Hòa (phía nam). Bề rộng mặt đường và cầu khoảng 22m với bốn làn xe; bề rộng hầm là l,5m với hai làn xe 9,5m và một làn người đi bộ một mét...

Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ đèo Cả cho phép các xe lưu hành với vận tốc 80km/h và có thể chịu được động đất cấp 7. Đồng bộ với công trình chính là các khu điều hành, chuyên gia, dân cư và nhiều công trình dân sinh khác. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án đến năm 2014.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành giao thông, với việc triển khai dự án hầm đường bộ đèo Cả, các phương tiện sẽ giảm bớt được gần 1/2 quãng đường đi, thời gian qua đèo sẽ chỉ bằng 1/4 trước đây, giảm thiểu các chi phí hao mòn hư hỏng xe, ước tính mỗi năm có thể tiết kiệm được gần 5 triệu USD.

Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư dự án

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, dự án hầm đường bộ đèo Cả là một trong ba dự án đường hầm nằm trong Chiến lược phát triển hệ thống đường bộ Việt Nam tới năm 2020.

Dự án có ý nghĩa chiến lược cho mục tiêu phát triển lâu dài kết nối hai miền Nam Bắc, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền Trung mà đặc biệt là kết nối hai khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa). Từ năm 2001, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự án mời gọi đầu tư nhưng chưa tìm được nguồn vốn.

Với việc bốn nhà đầu tư tư nhân lớn là Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ&Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T và Công ty Cổ phần Á Châu đã cùng nhau liên doanh góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả để đầu tư dự án và đặc biệt, Công ty này đã tự tiếp cận ngân hàng để tìm được nguồn tài trợ ưu đãi thực hiện dự án theo hình thức BOT và BT là một tín hiệu tốt về xã hội hóa nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông theo chủ trương của Chính Phủ.

Không những là dự án điển hình xã hội hóa đầu tư hạ tầng mà chủ đầu tư dự án còn là một nhà đầu tư sáng tạo.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc bộ phận dịch vụ tài chính doanh nghiệp của Ngân hàng Crédit Agricole (CA) ngân hàng tài trợ vốn dự án cho biết việc nhà đầu tư triển khai trước các khu tái định cư được ngân hàng đánh giá cao bởi trong việc xây dựng các công trình ở Việt Nam việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn và thường gây chậm trễ cho tiến độ thực hiện dự án.

Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của nhiều dự án, làm tăng tổng mức đầu tư dự án một cách đáng tiếc. Cách đi trước một bước là sáng tạo để đảm bảo tiến độ dự án, phòng ngừa chi phí tăng. Ngoài ra, khi các tổ chức tái bảo hiểm tín dụng xuất khẩu của CA thẩm định dự án họ thường xem xét kỹ các nhà đầu tư giải quyết thế nào về vấn đề an sinh xã hội.

Nên việc nhà đầu tư lo trước khu tái định cư cho những người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án là cần thiết để dự án vượt qua được con mắt khắt khe của các nhà thẩm định bảo hiểm tín dụng.

Điều này cực kỳ quan trọng vì nó sẽ quyết định ngân hàng có tài trợ vốn cho dự án hay không. Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã dám bỏ tiền ra thực hiện dự án tái định cư khi mớí được tạm giao mốc giới lại chính là điểm mạnh khiến CA đánh giá cao về năng lực của nhà đầu tư. Chỉ có tự tin vào tính khả thi của dự án, nhà đầu tư mới dám bỏ tiền ra để thực hiện dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+