Xã 1.000 tỷ phú: Bậc nhất xứ Nghệ, biệt thự hàng ngàn, ô tô nhiều vô kể

Cập nhật 15/11/2018 13:59

Người đi trước làm ăn rồi về đưa gia đình, họ hàng sang sau. Cứ như thế, người dân Đô Thành kéo nhau đi Tây lập nghiệp, có gia đình 3-4 người con cùng xuất ngoại. Tiền từ nước ngoài gửi về, họ xây nhà lầu, biệt thự, mua sắm xe máy, ô tô... quê nghèo Đô Thành bỗng trở nên sầm uất, náo nhiệt.

Đi Tây kiếm tiền tỷ

Những năm 80 thế kỷ trước, Đô Thành thuộc top những xã nghèo nhất huyện Yên Thành (Nghệ An), đời sống người dân hết sức khó khăn. Ấp ủ ước mơ làm giàu, nhiều thanh niên quyết định rời quê hương đi làm ăn xa. Trong những chuyến đi đó, người Đô Thành may mắn bén duyên với nghề buôn gỗ, làm mộc.

Để tận dụng giá trị cây gỗ, người Đô Thành lặn lội ra Bắc, thuê thợ mộc lành nghề về làm công cho mình. Nhờ mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng mà thương hiệu đồ gỗ Đô Thành nức tiếng gần xa. Những sản phẩm như tủ, giường, bàn ghế,... được ưa chuộng, có mặt khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh.

Vùng quê sầm uất với những dãy nhà cao tầng

Sau một thời gian bùng nổ, đến đầu thập niên 90, thị trường đồ gỗ trở nên bão hòa. Nguồn hàng khan hiếm, trong khi xưởng mộc ở các huyện lân cận mọc lên như nấm sau mưa. Sản phẩm làm ra ế ẩm, lợi nhuận ngày một sụt giảm khiến người ta không còn mặn mà với nghề mộc.

Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn, nghề mộc lao dốc đã thúc đẩy người Đô Thành tìm ra được cách làm ăn mới... Đó là xuất ngoại đi Tây.

Có con trai và cháu nội đi làm ăn ở Liên bang Đức, ông Nguyễn Xuân Dục (SN 1947, trú xóm Phúc Vinh), cho biết, thời kỳ đầu chỉ có ít người nhạy bén tìm đường sang các nước châu Âu như Đức, Anh, Nga, Ba Lan...

Người sang trước làm ăn rồi về đưa gia đình, họ hàng theo sau. Cứ như thế, người dân Đô Thành kéo nhau sang Tây lập nghiệp, có gia đình 3-4 người con cùng xuất ngoại.

Tiền từ nước ngoài gửi về nhiều, người dân bắt đầu xây dựng nhà lầu, biệt thự, mua sắm xe máy, ô tô,... quê nghèo Đô Thành bỗng sầm uất, náo nhiệt lạ kỳ.

Ở Đô Thành có rất nhiều biệt thự trang hoàng, lộng lẫy

Theo ông Dục, để có tiền gửi về cho gia đình, người lao động phải làm đủ mọi nghề, từ cửu vạn, công nhân, buôn bán, spa,... Cứ có nghề nào kiếm ra tiền là làm.

Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, việc xin visa đi các nước châu Âu và cơ hội việc làm ở đây trở nên khó khăn. Nhiều người Đô Thành quyết định về quê lập nghiệp, số ít lại đi sang các quốc gia khác tìm cơ hội mới.

Trong thời gian này, một bộ phận lao động ở Đô Thành học tập người dân xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu) sang Lào tìm kiếm cơ hội làm giàu. Xóm tỷ phú dọc kênh Vách Bắc là minh chứng cho hướng đi đúng đắn này.

Ông Dục cho biết, xã Đô Thành hiện có đến nghìn tỉ phú, trong đó, nhiều người đã thành lập công ty, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Được biết, sau 10 năm làm ăn ở Đức, con trai cả của ông Dục cũng về quê, thành lập một công ty lớn, chuyên sản xuất tôn lợp.

Một góc Đô Thành từ trên cao

Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho hay, hiện toàn xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu; 1.047 người đi làm việc, buôn bán tại Lào; 439 người đang làm việc tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...

“Nhờ số tiền con em làm ăn xa gửi về mà Đô Thành ngày càng thay da đổi thịt. Toàn xã có hơn 4.000 hộ thì 3/4 trong số đó có nhà 2 tầng trở lên. Hàng trăm hộ có xe ô tô, biệt thự”, ông Hà nói.

Buôn đồng nát xuyên Việt

Vào thập kỷ 90, trong khi người Đô Thành kéo nhau qua Tây làm ăn thì người Diễn Tháp lại tìm đường sang Lào buôn bán. Nếu so về độ giàu có, sầm uất thì Diễn Tháp cũng không hề thua kém.

Theo người dân địa phương, xã Diễn Tháp xưa kia có nghề đúc đồng truyền thống. Để có nguyên liệu sản xuất, người ta sắm cho mình chiếc xe đạp, đi thu mua đồng nát khắp nơi, thậm chí họ còn sang tận bên Lào.

Xã Diễn Tháp cũng giàu có không kém Đô Thành

Trong những chuyến đi, họ tranh thủ mua luôn nhiều thứ khác như lông vịt, đồ nhựa hỏng, bao bì, chai lọ,... về bán cho các xưởng chế biến phế liệu, kiếm thêm thu nhập.

Thời điểm ấy, nhờ giá phế liệu bên Lào rẻ, nguồn hàng nhiều mà dân buôn trúng quả đậm. Ban đầu, họ chỉ thu mua nhỏ lẻ, nhưng sau đó người ta mua ô tô tải để chở, có người tập kết tại những bãi thu mua lớn rồi chuyển về dần.

Nhờ những chuyến buôn đó, người Diễn Tháp nhận ra, ngoài đồng nát thì Lào còn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Nắm bắt thời cơ, những chuyến xe đầy ắp hàng hóa từ Việt Nam có mặt tại Lào.

Một căn biệt thự ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu

Ông Trần Xuân Hải (SN 1954, trưởng thôn xóm 2) có tất cả 8 người con, dâu, rể hiện đều làm ăn tại Lào. Ông tâm sự, trước đây gia đình ông nghèo, hai vợ chồng phải chạy ăn từng bữa nuôi con. Từ khi các con ông sang Lào làm ăn, kinh tế gia đình trở nên khá giả, các con ai cũng có nhà cửa khang trang.

Theo ông Hải, người Diễn Tháp có được như ngày nay là nhờ tư duy nhạy bén trong kinh doanh, cộng với chút máu “liều”. Dựa vào nhu cầu thị trường mà dân buôn biết họ phải bán hàng gì. Từ đồ nhôm, nhựa, đồ gia dụng, điện lạnh, chăn, đệm, sắt, thép, nông cụ... thứ gì cũng bán.

Mỗi chuyến hàng đi Lào thường kéo dài từ vài tuần đến cả tháng. Hàng đến nơi, một phần được bán cho các cửa hàng, đại lý, phần còn lại sẽ theo xe vào sâu trong bản, bán trực tiếp cho người dân.

Hơn 2.000 người Diễn Tháp đang làm ăn tại Lào

Ông Hải tiết lộ, dù cực nhọc nhưng lợi nhuận từ việc đi buôn rất lớn. Để tiện làm ăn, họ dùng số tiền kiếm được mua đất, mở đại lý tại Lào, còn lại gửi về cho gia đình.

Kể từ năm 2000, Diễn Tháp chuyển mình rõ rệt. Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên chi chít, những chiếc xe hơi xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dân lân cận không khỏi tò mò.

Bà Chu Thị Khuyên - Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp - cho hay, hiện toàn xã có hơn 2.000 lao động đi làm ăn tại Lào. Nhờ biết cách làm ăn mà hàng trăm người trở thành tỷ phú, 2/3 số hộ dân xây nhà cao tầng, nhiều biệt thự tiền tỷ.

Cũng theo bà Khuyên, dù mức sống cao nhưng người dân Diễn Tháp vẫn giữ được nếp sống cần cù, hiếu học. Hằng năm, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học, cao đẳng luôn cao hơn mặt bằng chung của cả huyện Diễn Châu.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet