Vướng thủ tục, dòng vốn khó chảy

Cập nhật 02/08/2013 09:51

Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, tính đến 29/7/2013, tổng số tiền đã giải ngân cho 97 khách hàng cá nhân mua nhà là 22,3 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này vào cuối tháng 6/2013 mới là 3,457 tỷ đồng.

Sau 2 tháng thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, 5 ngân hàng thương mại nhà nước đã triển khai đến các chi nhánh trong cả nước. Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, tính đến 29/7/2013, tổng số tiền đã giải ngân cho 97 khách hàng cá nhân mua nhà là 22,3 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này vào cuối tháng 6/2013 mới là 3,457 tỷ đồng.

Nguồn cung nhà ở xã hội ít là nguyên nhân tín dụng nhà ở thấp

Trước dư luận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng giải ngân chưa đạt kỳ vọng, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, tồn đọng của thị trường bất động sản (BĐS) tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp, diện tích lớn, giá cao, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội và những căn hộ bình dân lại rất thiếu tại các địa phương. Do đó, việc tạo nguồn cung cho thị trường trong giai đoạn này cần phải đi trước một bước.

Theo các công ty môi giới BĐS, trên thị trường hiện tại, số căn hộ nhỏ hầu như còn lại rất ít mà chỉ còn các căn hộ có diện tích lớn, hoặc giá cao, không phù hợp với khả năng tài chính và điều kiện cho vay. Đây cũng là lý do các hồ sơ vay vốn mua nhà trong gói tín dụng này đến với ngân hàng còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, những chi tiết nảy sinh trong quá trình hoàn thiện hồ sơ vay đang làm khó cho đối tượng đủ tiêu chuẩn.

Trên thực tế, dù Bộ Xây dựng đã đề xuất danh sách các dự án được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 02, nhưng phần lớn trong số này mới bắt đầu triển khai. Do vậy, để tăng nguồn cung cho thị trường nhà ở xã hội cần có thêm thời gian.

Ở một góc độ khác, hỗ trợ thị trường và kiểm soát nợ xấu là những công việc trọng tâm của Chính phủ trong Nghị quyết 02. Do vậy, nguyên tắc của chương trình là Chính phủ, NHNN chỉ hỗ trợ về nguồn vốn với thời hạn cho vay dài, lãi suất thấp, nhưng khoản vay vẫn phải bảo đảm các điều kiện tín dụng theo quy định để người dân có nhà ở nhưng nợ xấu không tăng lên.

Khách hàng phải có thu nhập để đảm bảo khả năng trả nợ định kỳ và ngân hàng phải thẩm định và tự chịu rủi ro phát sinh. Số lượng dự án và giá trị đầu tư do Bộ Xây dựng công bố hiện đã vượt quá mức 30% tổng giá trị gói hỗ trợ. Đó cũng là lý do các ngân hàng cần thời gian để đặt lên bàn cân xem tính khả thi và hiệu ứng của từng dự án, đến nhu cầu về nhà ở tại các địa phương.

Ví như, theo quy định người dân có thể dùng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã hoàn thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai để làm tài sản bảo đảm khoản vay với ngân hàng. Nhưng trên thực tế, việc đăng ký tài sản đảm bảo nhà ở hình thành trong tương lai không được nhiều phòng công chứng chấp nhận.

Hay như quy định đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có dự án nhà ở. Đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên. Trên thực tế một khách hàng đóng bảo hiểm trên 1 năm nhưng lại di chuyển địa điểm làm việc và việc đóng bảo hiểm không liên tục, vậy có thuộc đối tượng hỗ trợ hay không? Vẫn chưa có câu trả lời mang tính pháp lý.

Cơ quan đơn vị chỉ là người quản lý về mặt nhân sự, làm sao có thể biết rõ nhân viên, cán bộ có nhà hay chưa có nhà. Về diện tích sử dụng cũng không rõ ràng, có nên đem thước đến đo và xác thực nhân khẩu theo hộ khẩu hay số người thực sự sống cùng nhau…

Không có nhiều UBND xã, phường “dám” xác nhận các thông tin trên với lý do “chưa có hướng dẫn cụ thể”. Một lãnh đạo ngân hàng than thở, chính các cơ chế này bó chân, bó tay khách hàng chứ không phải do ngân hàng không nhiệt tình tư vấn...

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn 1550/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh cho vay vốn hỗ trợ nhà ở. Theo đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, UBND xã (phường) xác nhận thực trạng nhà ở (số thành viên trong hộ gia đình và diện tích nhà ở) tại địa chỉ mà người xin xác nhận có đăng ký hộ khẩu thường trú, hoặc tạm trú và thực tế đang sinh sống, không để trường hợp không được xác nhận mà không có lý do.

Tuy nhiên, băn khoăn vẫn còn, rằng nếu các thành viên trong gia đình đang sống cùng một thành phố nhưng ở cách nhau 50 - 60 km thì có được tiếp cận chương trình này hay không?

Chủ đầu tư có chia sẻ?

Theo Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì nhà ở xã hội không được chuyển nhượng trong vòng tối thiểu 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng mua bán, thuê mua (nếu chuyển nhượng thì chỉ được chuyển nhượng cho Nhà nước hoặc cho chủ đầu tư hoặc cho đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định của địa phương). Do đó, trường hợp phát sinh rủi ro thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo. Để xử lý tình huống này, các ngân hàng đã đề nghị chủ đầu tư ký kết hợp đồng ba bên, trong đó chủ đầu tư cam kết sẽ mua lại căn nhà hoặc chuyển nhượng cho những người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, tuy nhiên không có nhiều chủ đầu tư muốn thực hiện.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng