Vướng đền bù, giải phóng mặt bằng: Nhiều công trình điện có nguy cơ bị cắt vốn

Cập nhật 12/07/2007 21:00

Nhiều công trình điện cao thế trên địa bàn TPHCM dù đã khởi công nhiều năm qua nhưng có công trình chưa thể dựng nổi một móng trụ, có công trình đã trễ đến 2 năm, thậm chí có công trình còn bị “dọa” cắt vốn vay vì không đảm bảo tiến độ thi công. Nguyên nhân của sự ì ạch được Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPPMB, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) giải thích phần lớn đều xuất phát từ công tác đền bù giải tỏa quá chậm, quá phức tạp.

3 năm chưa xong đền bù

Công trình xây dựng trạm 220kV Nam Sài Gòn (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) và các đường dây đấu nối được EVN xác định là công trình trọng điểm với mục đích cung cấp điện ổn định cho khu vực phía Nam TPHCM, được khởi công từ tháng 10-2004, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2007.

“Công trình này đã có quyết định thu hồi và giao đất nhưng hiện vẫn còn 1 hộ chưa nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng xây dựng trạm. Ngoài ra còn đến 14 hộ dân trong tổng số 23 hộ dân nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường dây đấu nối vào trạm chưa tiến hành các thủ tục nhận tiền đền bù, khiến việc thi công công trình này phải kéo dài nhiều năm liền, khó có thể hoàn thành đúng thời hạn” - ông Nguyễn Công Toàn, Phó trưởng ban SPPMB nói.

Theo báo cáo mới đây của SPPMB, việc giải quyết 14 trường hợp nêu trên còn là “chuyện dài nhiều tập” bởi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chỉ đang ở giai đoạn đo vẽ hiện trạng, vật kiến trúc của dân.

Cùng chung “cảnh ngộ” trên còn có công trình đường dây 500kV Nhà Bè-Ô Môn. Đây là công trình lớn của SPPMB với mục đích liên kết trạm 500kV Nhà Bè đến nhà máy Nhiệt điện Ô Môn và nhà máy Điện Cà Mau nhằm tiếp nhận, truyền tải công suất từ các nhà máy Điện Cà Mau, Ô Môn đến TPHCM. Tuy nhiên theo báo cáo của SPPMB, đến cuối tháng 6-2007, đoạn qua huyện Nhà Bè, TPHCM (chiều dài tuyến 6,978km) chưa thể thi công được một móng trụ nào dù đã khởi công từ hơn một năm qua.

Giải thích về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng ban SPPMB, cho rằng việc mua bán, sang nhượng đất đai bằng giấy tay trong dân khiến việc cập nhật danh sách các hộ dân trong diện đền bù, giải tỏa quá khó khăn. “Do địa bàn huyện Nhà Bè có quá nhiều dự án triển khai cùng lúc nên các xã chỉ bố trí… 1 cán bộ địa chính phối hợp với SPPMB để tiến hành việc kiểm kê, mà cán bộ này cũng chỉ tham gia với SPPMB 1 lần/tuần nên khi xảy ra chuyện thì có dân mà không có cán bộ, khi cán bộ đến thì lại không có dân, khiến việc lập danh xác chính xác các hộ dân diện đền bù, giải tỏa hết sức chậm chạp”.

Cũng trên địa bàn huyện Bình Chánh, công trình đường dây 110kV Phú Lâm –Mỹ Tho bị chậm trễ 2 năm vì lý do phần lớn các hộ dân chưa đồng tình với mức giá đền bù...

Nguy cơ bị cắt vốn



Trạm biến áp 110kV do IDICO xây dựng, cung cấp thêm
nguồn điện cho người dân vùng xa tỉnh Bình Phước.


Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Lê Thị Hoàng Yến, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư SPPMB, cho rằng nhiều công trình xây dựng điện cao thế trên địa bàn TPHCM đang sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Những trở ngại mà SPPMB đang gặp phải đã khiến tiến độ giải ngân và thời gian hoàn thành công trình bị chậm trễ so với các cam kết. Cụ thể công trình xây dựng trạm 220kV Nam Sài Gòn đăng ký tiến độ hoàn thành, đưa vào vận hành tháng 12-2007 còn đường dây 500kV Nhà Bè-Ô Môn sẽ hoàn thành vào tháng 3-2008 nhưng lãnh đạo SPPMB đều khẳng định khó lòng hoàn thành đúng thời hạn.

“Mặc dù sự chậm trễ trong tiến độ, giải ngân đều do yếu tố khách quan nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín mà chúng tôi đã cam kết với phía ngân hàng”, bà Yến nói. Cũng theo bà Yến thì dù phía Ngân hàng Thế giới đã gia hạn thời gian giải ngân đến năm 2009 nhưng nguy cơ bị cắt vốn và phải ngừng thực hiện dự án vẫn rất cao.

Đó là chưa nói đến việc thi công không đảm bảo tiến độ còn ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng điện cung cấp cho TPHCM, ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận nguồn điện từ nhà máy điện Cà Mau…, và cả những cam kết, hợp đồng cung ứng điện mà EVN đã ký kết với các đối tác.

Được biết, trong năm 2007, SPPMB chuẩn bị khởi động 6 dự án, công trình lưới điện trong đó có các tuyến, đường dây quan trọng như 500kV Phú Lâm-Ô Môn, trạm biến áp 500kv Cầu Bông… nhưng điều khiến lãnh đạo SPPMB và EVN lo ngại những công trình này cũng sẽ vấp phải những khó khăn tương tự ngay từ khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.

Công Quốc - Theo Sài Gòn Giải Phóng