Vùng thủ đô Hà Nội - Vùng “đa cực tập trung”

Cập nhật 09/01/2008 10:00

Một lần nữa đồ án quy hoạch lớn Vùng thủ đô Hà Nội (VTĐHN) lại được Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì, đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như TP Hà Nội và 7 tỉnh trong phạm vi nghiên cứu (bao gồm: Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình). Theo dự thảo, VTĐHN là vùng đô thị lớn, phát triển theo hướng đa cực tập trung - liên kết không gian giữa Hà Nội và các tỉnh xung quanh, các vùng phát triển đối trọng.

Hướng phát triển “đa cực tập trung”

Theo dự thảo của Bộ Xây dựng, tầm nhìn của đồ án quy hoạch VTĐHN đến năm 2020 và hướng tới năm 2050 với ba mục tiêu chính: Một vùng kinh tế tổng hợp lớn của cả nước, hướng tới là một vùng đô thị có vị thế kinh tế - văn hóa trong vùng Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một trung tâm văn hóa -lịch sử, khoa học - đào tạo nhân lực và trung tâm du lịch lớn của cả nước. Và là một khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng sống đô thị và nông thôn cao, phát triển bền vững.

Với vai trò là đô thị hạt nhân, thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của không gian vùng và tập trung phát triển các trung tâm cấp độ vùng và quốc gia. Hà Nội - trung tâm tăng trưởng lớn nhất của vùng có ba khu vực đô thị.

Thứ nhất là khu vực đô thị trung tâm ở phía nam sông Hồng. Ở khu vực đô thị cổ, đô thị cũ là trung tâm chính. Tại khu vực này mục tiêu là kiểm soát, chỉnh trang đô thị; bảo vệ quỹ di sản, cây xanh, mặt nước. Còn với khu vực phát triển mới ở tây - tây nam là một số trung tâm cấp quốc gia, quốc tế; khu ở cao tầng.

Thứ hai là khu vực đô thị mới phía bắc sông Hồng (Đông Anh). Đây là trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ đô thị. Tổ chức đầu mối giao thông tiếp vận quốc gia tổng hợp và trung tâm dịch vụ hàng không Nội Bài; tham gia và là trung tâm trên hành lang Côn Minh. Đô thị Sóc Sơn sẽ phát triển dịch vụ công nghiệp gắn trung tâm đào tạo nghề, du lịch, đầu mối hạ tầng, dự trữ phát triển. Bên cạnh đó, tại khu vực này còn có di tích Cổ Loa di tích được bảo vệ và cũng là lợi thế để phát triển du lịch.

Thứ ba là khu vực đô thị phía đông (quận Long Biên và huyện Gia Lâm). Đây là một hướng phát triển mở về phía cảng biển, khu công nghiệp, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ đô thị và nhà ở, dịch vụ trung tâm tiếp vận đầu mối (vành đai).

Hai hướng tổ chức không gian của VTĐHN bao gồm, hướng thứ nhất không gian mở rộng lan tỏa về phía tây, phát triển các đô thị, khu đô thị chức năng năng vệ tinh, tiếp cận theo vành đai Vùng (Sóc Sơn - Mê Linh, Trôi - Phùng - An Khánh…) theo hướng lan tỏa mở rộng đến giới hạn hành lang thoát lũ vùng sông Đáy. Hướng thứ hai, tổ chức các trục đô thị hóa về phía đông, phát triển theo trục hướng tâm một số khu vực (Từ Sơn, Văn Giang, Như Quỳnh). Duy trì một số khu vực làng xã và vùng nông nghiệp của Hà Nội và lân cận.

Các trung tâm tăng trưởng

Theo dự thảo quy hoạch VTĐHN, các trung tâm tăng trưởng gắn với các chức năng phát triển kinh tế, đô thị… như: Các trung tâm tăng trưởng phía tây và vùng chức năng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, đào tạo, nghiên cứu, công nghệ cao và vùng mở rộng Thủ đô.Tại khu vực phía bắc của trung tâm tâm tăng trưởng phía tây là trục phát triển Láng - Hòa Lạc, trục đường 21 và đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây và đô thị mới dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp Đồng Mô, Suối Hai. Khu vực phía nam, trục đường 5 mới kéo dài về phía tây (Phú Xuyên - Quan Sơn - Kim Bôi - Điện Biên Phủ), nối vùng phía tây với duyên hải, trung tâm du lịch - đô thị mới Quan Sơn. Thành phố Hòa Bình là trung tâm, dịch vụ du lịch, đào tạo, thương mại… có vị trí giao thoa giữa VTĐHN và miền núi Tây Bắc.

Các trung tâm tăng trưởng đông - đông nam là vùng chức năng phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối với cửa ngõ kinh tế biển. Trong đó trọng điểm là hành lang Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng theo hướng nối kết không gian các cụm đô thị - công nghiệp - sông ngòi - nông nghiệp; công nghiệp nhẹ đa ngành, kỹ thuật cao (Phố Nối, Như Quỳnh, khu vực phụ cận Hải Dương). Hải Dương là đô thị cấp vùng với chức năng trung tâm dịch vụ - thương mại quy mô 35-40 vạn dân.

Các trung tâm tăng trưởng bắc - đông bắc là vùng công nghiệp lớn, đầu mối giao thông, tham gia vào hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh - Hạ Long. Đây là hành lang kinh tế trọng điểm phát triển đầu mối giao thông tiếp vận (Nội Bài), các trung tâm công nghiệp (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sóc Sơn, Bắc Ninh); công nghiệp nặng (Phả Lại, Đông Triều); dịch vụ công nghiệp - đô thị (Chí Linh, Sao Đỏ), dạy nghề… kết nối với cửa ngõ cảng biển. Trong đó, Vĩnh Yên là đô thị cấp vùng với định hướng dịch vụ công nghiệp, thương mại, du lịch.

 

Ý kiến các chuyên gia

KTS Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội:

Mô hình quản lý là vấn đề đặc biệt quan trọng của đồ án. Nếu không có cơ quan quyền lực đủmạnh thì quy hoạch rất đẹp nhưng không thực hiện được.Do vậy, trước tiên phải là mô hình quản lý. Về cơ chế quản lý, cần làm rõ có can thiệp được vào các quyết định của các tỉnh, TP trong vùng không, can thiệp đến đâu, cơ sởnào để vận hành và phát triển vùng. Tôi nhất trí với mô hình cơ quan quản lý vùng như đồ án đã đưa ra, tuy nhiên đồ án chưa nêu rõ việc cơ quan này sẽ kết nối, vận hành thế nào trong hệ thống hành chính.

GS - TSKH - KTS Nguyễn Thế Bá:

VTĐHN là một trong hai vùng động lực mạnh của cả nước, phải đi đầu trong phát tiển, phải là vùng phát triển năng động xứng ngang tầm khu vực. Thời hạn lập quy hoạch vùng phải từ 20-25 năm, tức là tới 2025 hoặc 2030 và tầm nhìn tới 2050. Song quy hoạch xây dựng VTĐHN chỉ có 15 năm, tới năm 2020, khi quy hoạch được duyệt thời hạn thực hiện chỉ còn 12 năm thì quá ngắn cho những chương trình dự án to lớn.

Ông Ian Green - Chuyên gia quy hoạch đô thị Anh:

VTĐHN được xây dựng trong một thời điểm có nhiều thay đổi về chính sách, có những sức ép lớn của sự phát triển. Chiến lược về không gian của đồ án được suy tính cẩn thận, đúng đắn, tuy nhiên còn thiếu tính nhất quán. Phương pháp tiếp cận đa cực đòi hỏi các trung tâm đô thị đủ lớn để đáp ứng yêu cầu. Cần gắn kết chặt chẽ với hệ thống giao thông. Đơn cử đường sắt, mật độ dân cư phải đủ lớn thì các dự án đầu tư mới đạt được hiệu quả về kinh tế. Rất ít dẫn chứng cho thấy các đối tác đầu tư trong và ngoài nước được tham gia vào đồ án, thể hiện những quan tâm, ưu tiên mong muốn của họ. Các địa phương còn chưa nắm rõ, hiểu rõ hoàn toàn về đồ án. Một điểm yếu nữa là kế hoạch, cần cân nhắc cả nguồn nhân lực (thể chế, kỹ năng cần thiết) bên cạnh nguồn lực về về kinh tế để thực hiện quy hoạch.


Theo KT & ĐT