Vùng Hà Nội mở rộng: Chấm dứt lời đồn

Cập nhật 13/04/2008 08:00

Những đồn đoán về các dự án đang triển khai, hoặc đang đền bù giải tỏa... trong vùng Hà Nội mở rộng sẽ dừng lại để chờ về Hà Nội được hưởng các chính sách cao hơn là không chính xác.

Chưa phê duyệt vẫn có thể được thỏa thuận

"Đối với các dự án, khu đô thị, khu dân cư và các dự án liên quan khác đã được phê duyệt trước ngày Chỉ thị 260/CT-TTg ngày 4.3.2008 của Thủ tướng Chính phủ (rà soát lại toàn bộ các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác liên quan đến việc bố trí không gian thuộc địa giới thủ đô Hà Nội mở rộng - PV) có hiệu lực thì vẫn tiếp tục thực hiện" - Công văn 632/BXD-KTQH của Bộ Xây dựng gửi UBND TP Hà Nội, tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình ngày 8.4.2008 đã khẳng định như vậy.

Cũng trong công văn này, Bộ Xây dựng chủ trương giao cho các địa phương "chủ động phân tích đánh giá sự phù hợp với định hướng lớn của quy hoạch vùng thủ đô đã được thống nhất với Bộ Xây dựng" và gửi hồ sơ về Bộ trước khi phê duyệt những đồ án quy hoạch, các dự án có liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội (mới) đã lập trước ngày Chỉ thị 260 có hiệu lực (ngày 4.3.2008) nhưng chưa phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản thỏa thuận tổng hợp theo địa bàn quận, huyện đối với những dự án có quy mô nhỏ hơn 100 ha hoặc có văn bản thỏa thuận riêng với dự án có quy mô từ 100 ha trở lên.

Những hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng đã chấm dứt những đồn đoán (cả tiêu cực lẫn tích cực) về số phận những dự án đang triển khai trong vùng Hà Nội mở rộng, đặc biệt là Hà Tây.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Huy Tưởng cho biết, tất cả các dự án được cấp phép đầu tư trên địa bàn đều dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) cũng như định hướng phát triển đô thị và quy hoạch vùng nói chung. "Sẽ rất khó có chuyện các dự án được "cấp bừa" và phải gỡ bỏ như một số người đồn đoán" - ông Tưởng nói.

Người dân Hà Tây trông đợi gì?

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huy Tưởng cũng thừa nhận, thông tin Hà Tây hợp nhất với Hà Nội cũng gây một số khó khăn nhất định cho công tác thực hiện quy hoạch cũng như triển khai các dự án trên địa bàn, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng.

Theo ông Tưởng, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, từ năm 2006, Hà Tây đã vận dụng tối đa các chính sách của Nhà nước để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng - vốn là khâu kéo chậm tiến độ các dự án nhiều nhất. "Suốt từ năm 2006 đến nay, Hà Tây giải phóng mặt bằng các dự án rất thuận lợi, bà con không thắc mắc gì nhiều" - ông Tưởng nói.

Tuy nhiên khi đề xuất hợp nhất với Hà Nội được công bố hồi đầu năm đã khiến cho một bộ phận người dân có đất bị thu hồi trong một số dự án cố tình trì hoãn với tâm lý "đợi về Hà Nội sẽ được đền bù cao hơn".

Ông Nguyễn Đình Huệ, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Hà Đông dẫn chứng, dự án đường Lê Văn Lương kéo dài kỷ lục về tốc độ giải phóng mặt bằng nhưng hiện vẫn còn 2/32 ha chưa bàn giao được mặt bằng. Lý do là vì một số hộ dân đề nghị: "Không thực hiện dự án phát triển giao thông và đô thị mà tiếp tục sử dụng đất để trồng cấy".

Ông Huệ cho rằng, đây là đề nghị không có căn cứ giải quyết, bởi vì việc đầu tư xây dựng đường trục phát triển phía Bắc TP Hà Đông và khu đô thị Dương Nội là phù hợp quy hoạch chung của TP Hà Đông (tỉnh Hà Tây) và phù hợp với định hướng phát triển của thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng chấp nhận tháng 1.2007.

Ngoài ra, một số hộ dân đề nghị tăng giá đền bù tại địa bàn các xã Văn Khê, Dương Nội cũng không thể giải quyết. Ông Huệ nói: "Không rõ ràng nhưng chúng tôi biết có một bộ phận người dân có tâm lýá trì hoãn, chờ đợi. Song trên thực tế, mặc dù giá đất đền bù (180.000 đồng/m2 đất nông nghiệp) có thể thấp hơn so với Hà Nội nhưng nếu tính cả các chính sách hỗ trợ khác, đặc biệt là được mua suất đất dịch vụ ưu đãi thì chính sách giải phóng mặt bằng của Hà Tây đang có lợi thế".

Ông Nguyễn Huy Tưởng cũng bày tỏ thái độ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Tây về việc không thụ động khiến chủ trương mở rộng Hà Nội làm chậm tiến độ các dự án đang triển khai đúng hướng. Vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chung.

Tình hình triển khai lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn 3 tỉnh (Hà Tây; huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) về cơ bản đã tuân thủ các quyết định được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt và phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô. (Trích báo cáo lần 1, ngày 9.4.2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, rà soát các đồ án quy hoạch, dự án xây dựng trong phạm vi dự kiến mở rộng Hà Nội)


Theo Thanh Niên