“Vùng cấm” nào người nước ngoài không được mua nhà tại Việt Nam?

Cập nhật 01/06/2017 09:40

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc mua và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có yêu cầu, danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nằm trong khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở phải được xác định rõ ràng.

Có nhiều người nước ngoài mua nhà và sinh sống tại Khu đô thị Dragon City. Ảnh: Lê Toàn

Phức tạp chuyện mua bán

Hơn 20 tháng Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực (từ 1/7/2015), nhiên nhiều chuyên gia bất động sản trong và ngoài nước cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để thúc đẩy người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Ông Greg Ohan, Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, hiện có hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và hơn 4 triệu Việt kiều có liên hệ mật thiết với gia đình ở quê hương. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về việc họ có nhu cầu tiếp cận và mua nhà tại Việt Nam hiện nay hay không, thì họ thường cho biết rất thất vọng. Những thất vọng đa phần đến từ việc chuyển nhượng lại căn hộ đã mua.

“Trong trường hợp may mắn nhanh chóng tìm được người mua để chuyển nhượng lại căn hộ, thì người nước ngoài phải làm một loạt thủ tục hành chính để hoàn thành việc mua bán này. Đầu tiên, cần phải làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được công chứng và dịch tại cơ quan đăng ký ở nước sở tại và một lần nữa phải được công chứng, dịch ra tiếng Việt tại phòng công chứng địa phương. Việc này tốn khá nhiều thời gian và phải trả một khoản chi phí”, ông Ohan cho biết.

Cũng theo ông Ohan, mọi việc chưa dừng lại ở đó, họ tiếp tục phải chuẩn bị “hợp đồng đặt cọc” và “hợp đồng mua bán”, mà chắc chắn cả hai bản phải được công chứng và ký kết bởi tất cả các bên, bao gồm cả chủ đầu tư.

Sẽ không có bản hợp đồng mẫu nào cả, nên cần phải tự chuẩn bị cho mình hoặc tìm đến sự giúp đỡ của nhà tư vấn. Sau đó, hợp đồng phải được dịch, được ký tên và có sự làm chứng bằng tiếng Việt bởi một công chứng viên. Khi giao dịch hoàn tất, sẽ phải đóng thuế trên giá trị tài sản. Thực tế, sẽ không thể hồi khoản tiền đầu tư về nước nếu nghĩa vụ đóng thuế chưa được hoàn thành.


Vẫn còn nhiều vướng mắc, rào cản ảnh hưởng tới quyết định mua nhà tại Việt Nam của người nước ngoài

“Khi đã xong hết các thủ tục trên, cách duy nhất để hồi khoản tiền đầu tư về nước là thông qua các ngân hàng quốc tế, nhưng bạn phải cung cấp tất cả tài liệu kể tên. Chỉ sau khi hoàn tất việc đó, ngân hàng mới cho phép bạn nhận được tiền. Và bạn cũng cần phải thanh toán phí cho chủ đầu tư để hoàn tất việc chuyển nhượng", ông Greg Ohan lưu ý.

Còn đối với việc cho thuê, Greg Ohan lưu ý, trong khi tiền thuê được thanh toán hàng tháng, chủ nhà là người nước ngoài hãy nhớ những quy luật trên (chủ yếu liên quan đến ngân hàng) về thuế, hồi tiền đầu tư về nước và hóa đơn sẽ được áp dụng. Trừ khi chủ nhà sẵn sàng đến cơ quan thuế vào mỗi tháng, có thể thương lượng để nhận tiền thuê hàng quý, hàng tháng hoặc một khoảng thời gian tiện hơn. Hãy chắc chắn rằng mình đã có kế hoạch cho điều này.

"Dù thị trường rất hứa hẹn vào năm 2017, nhưng nếu người nước ngoài mua một căn nhà và đang cân nhắc bán hoặc cho thuê nó, cần phải đảm bảo có một nhà tư vấn trong nước sẵn sàng trợ giúp, nếu không sẽ rất phức tạp", ông kết luận.

Quy định “vùng cấm” người nước ngoài mua nhà

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài nêu rõ, danh sách Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở phải rõ ràng, minh bạch.

“Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện một số nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam”, công văn nêu rõ.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương căn cứ nội dung Văn bản số 10328/BQP-TM ngày 19/10/2016 của Bộ Quốc phòng và Văn bản số 786/BCA-TCAN ngày 19/4/2017 của Bộ Công an, phối hợp với Công an và Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương. Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nằm trong khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở phải được xác định rõ ràng.

Các thông tin này cần được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng để các tổ chức, cá nhân nước ngoài, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có cơ sở thực hiện theo đúng quy định.

Các địa phương cần chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của địa phương thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở theo đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 99/2015 và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương. Căn cứ vào quy định của pháp luật về nhà ở, cơ quan chức năng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Trường hợp phát hiện các tồn tại, bất cập về các quy định của pháp luật nhà ở liên quan đến việc mua và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, đề nghị gửi văn bản về Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản