Trong khi Thanh tra Chính phủ đang làm rõ vụ “băm nát” đất nông nghiệp để phân lô bán nền trái phép trên đảo Phú Quốc, Cơ quan CSÐT tỉnh Kiên Giang vào cuộc vụ “biến mất” hơn 1.000 phôi sổ đỏ đầy bí ẩn trên hòn đảo này.
VPÐÐ Phú Quốc.
|
Sáng 20/7, Ðại tá Trương Ðông Hải - Phó thủ trưởng Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Kiên Giang - cho Tiền Phong biết: Trong quá trình điều tra vụ án “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Văn phòng Ðăng ký đất đai huyện Phú Quốc (VPÐÐPQ), đã xác định một số tài liệu liên quan đến vụ án đã bị mất, trong đó có trên 1.000 phôi sổ đỏ. Hiện vẫn chưa phát hiện được chiếc phôi sổ đỏ nào tại VPÐÐPQ. Ngày 14/6 công an đã gửi công văn tới các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh yêu cầu họ hợp tác, khi phát hiện cần báo ngay cho Cơ quan CSÐT. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa dò ra manh mối nào.
Một cán bộ đo đạc của Xí nghiệp trắc địa bản đồ 103 - Cty đo đạc địa chính công trình (Bộ TN&MT) cho biết: Vào năm 2006, tỉnh Kiên Giang có chủ trương đo đạc, cấp sổ đại trà cho dân Phú Quốc. Ngành chức năng tỉnh đã thuê đơn vị này đo đạc, lập hồ sơ đất đai và in sổ đỏ ngay trên đảo Phú Quốc. Lúc đó Cty đưa ra Phú Quốc 3 chiếc máy in sổ đỏ, khổ A3. Về qui trình, Cty đo đạc nhận phôi sổ đỏ từ Phòng TN&MT huyện, về giao cho các xí nghiệp đưa trực tiếp xuống các xã, thị trấn để in sổ đỏ theo các danh sách đã được thẩm định. Xí nghiệp in được bao nhiêu thì giao cho địa phương bấy nhiêu. Cái nào in sai, in hỏng thì để riêng ra, lập danh sách trả lại. Ban đầu in sổ có màu đỏ đậm, sau đó vào khoảng năm 2009 chuyển sang in sổ có màu hồng có mã vạch. Tuy nhiên 2 loại sổ này đều có giá trị sử dụng như nhau. Chương trình cấp sổ đại trà đến năm 2011 thì kết thúc.
Khi phóng viên hỏi về vụ “mất tích” hơn 1.000 phôi sổ đỏ, ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Quốc nói: Vụ này xảy ra lâu rồi, thời điểm đó tôi chưa về công tác tại phòng. Năm 2014 Thanh tra Bộ TN&MT đã vào làm. Chúng tôi cũng đã cho lực lượng lục tung hết phòng này, ban nọ, về các xã trên địa bàn tìm kiếm nhưng không thấy cái phôi sổ đỏ nào. Thanh tra bộ sau đó đã kết luận và yêu cầu tiếp tục tìm kiếm, nếu tìm thấy thì lập hội đồng tiêu hủy. “Ðó có thể là những phôi giấy bị hư, hoặc in sai, do không được tổng hợp, thống kê lại nên… mất tiêu luôn. Nó cũng xảy ra trong thời điểm giao thời giữa in giấy đỏ cũ và giấy đỏ mới (sổ hồng mã vạch). Tôi nghĩ số này nó không thất thoát ra ngoài”, ông Minh nói.
Một cán bộ Phòng TN&MT huyện Phú Quốc tiết lộ: Sai lầm “chết người” là khi Phòng TN&MT bàn giao cho Cty đo đạc giấy phôi sổ đỏ để in đại trà lại không ký giao nhận. Chính sơ hở này đã làm thất thoát hồ sơ không tìm lại được. Mọi việc giờ đây phải chờ kết quả điều tra của công an.
Kiểm tra việc quản lý phôi sổ đỏ trên toàn quốc
Tổng cục Quản lý Ðất đai, Bộ TN&MT vừa có công văn yêu cầu Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố kiểm tra, chấn chỉnh và chỉ đạo sát sao việc quản lý phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Văn bản được đưa ra sau sự cố thất lạc hơn 1.000 phôi sổ đỏ ở Phú Quốc.
Theo Tổng cục Quản lý Ðất đai, đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng quản lý phôi giấy chứng nhận không chặt chẽ hoặc đã để xảy ra làm mất, thất lạc phôi giấy chứng nhận trong các giai đoạn trước đây nhưng không có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan này đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, thành phố thuộc trung ương tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh và chỉ đạo sát sao việc quản lý phôi giấy chứng nhận ở địa phương. Trường hợp bị mất hoặc thất thoát phôi giấy chứng nhận mà chưa xác định được nguyên nhân thì phải công khai các seri phôi giấy chứng nhận bị mất, thất thoát trên website của Sở TN&MT và gửi thông báo tới Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan khác có liên quan như các tổ chức tín dụng, các cơ quan công chứng, chứng thực… để phòng ngừa việc sử dụng phôi giấy chứng nhận cho các mục đích vi phạm pháp luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong