71 doanh nghiệp tại Tân Phú Trung đồng loạt gửi đơn khiếu nại đến nhiều cấp, ngành về một chủ trương bất hợp lý từ chủ đầu tư khu công nghiệp Tân Phú Trung
Họ là những doanh nghiệp đi đầu trong chương trình di dời các cơ sở ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành, theo tinh thần của quyết định 519 của Thủ tướng Chính phủ (năm 1996).
Tiên phong lãnh... đạn!
Theo đơn khiếu nại của các doanh nghiệp, hưởng ứng chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra ngoại thành của chính phủ và UBND TP.HCM, từ năm 1996 - 2003, hàng chục doanh nghiệp trong nội thành đã chủ động về các xã Tân Phú Trung - Tân Thông Hội, Củ Chi mua đất. Hiện có 48 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng và hoạt động, một số đang san lấp thêm mặt bằng, làm đường nội bộ.
Để hợp pháp hoá hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây, các doanh nghiệp cũng làm các thủ tục theo luật định để chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin phép xây dựng.
Theo thống kê của sở Tài nguyên và môi trường, đã có 44 doanh nghiệp đã được giao - thuê đất trước khi hình thành khu công nghiệp. Trong số này, UBND thành phố ký 39 quyết định và UBND huyện Củ Chi ký 5 quyết định. Nhiều trường hợp đã có ý kiến thoả thuận địa điểm của kiến trúc sư trưởng thành phố từ các năm 2000 - 2002 cho phép đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Cho đến đầu năm 2004, UBND thành phố ra quyết định thu hồi hơn 552ha đất, thành lập dự án khu công nghiệp. Sau đó, dự án được giao cho công ty cổ phần Song Tân (nay là công ty cổ phần phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc) làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Kể từ đây, hàng loạt doanh nghiệp đã liên tục bất bình, gửi đơn khiếu nại nhiều nơi trước những chính sách mới của chủ đầu tư: công ty cổ phần phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc.
Với 48 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng, sản xuất trước khi khu công nghiệp ra đời, chủ đầu tư yêu cầu phải đóng 3,5 tỉ đồng/ha (350.000đ/m2) nếu muốn “sống” tại khu công nghiệp. Tiền này gọi là chi phí tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khu công nghiệp.
Còn 23 doanh nghiệp trước đây đã mua đất (nay thuộc khuôn viên khu công nghiệp) mà chưa xây dựng nhà xưởng thì bị thu hồi, đền bù 65.000đ/m2. Sau đó muốn vào KCN thì phải thuê lại đất với giá bình quân 50 - 70 USD/m2 (50 năm), tức là từ 800 ngàn đến hơn 1 triệu đồng/m2.
Quy tội đầu cơ
Theo nhiều doanh nghiệp, hai phương án mà chủ đầu tư đưa ra đều có vấn đề.
Với 48 doanh nghiệp đã được giao đất, có nhà xưởng đang hoạt động từ trước khi có quy hoạch khu công nghiệp, họ cũng đã bỏ tiền đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cơ sở sản xuất của họ. Việc đòi đóng thêm 3,5 tỉ đồng/ha để xây dựng hạ tầng thiếu hẳn tính minh bạch vì đóng để làm gì, dự toán hết bao nhiêu, từ chủ trương nào… họ không được biết.
Với 23 doanh nghiệp mua đất nhưng chưa kịp xây dựng nhà xưởng, nay họ bị áp giá đền bù 65.000đ/m2 rồi sau đó phải thuê lại đất trong khu công nghiệp để sản xuất là bất hợp lý. Mức giá đền bù này dựa trên cơ sở nào, doanh nghiệp cũng không được giải thích. Tệ hơn, từ lâu, vì vướng quy hoạch nên chưa doanh nghiệp nào được phép xây dựng nhà xưởng, nay họ bị “quy” cho tội đầu cơ đất.
Một giám đốc doanh nghiệp bức xúc: giá đất từ năm 2000 đã ngoài 200.000đ/m2. Có đất, ông xin phép và đã được kiến trúc sư trưởng thành phố chấp thuận cho xây dựng nhà xưởng trên diện tích 9.000m2 vào năm 2000.
Phần còn lại dự định sẽ mở rộng sản xuất nhưng đến nay không xin phép được. Thành thử, ông bị chủ đầu tư đòi đóng tiền xây dựng hạ tầng khu vực nhà xưởng. Phần đất còn lại thì được bồi thường với giá 65.000 đồng/m2.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất và có đủ văn bản pháp lý để xây dựng nhà xưởng từ trước khi có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng khu công nghiệp. Thí dụ: doanh nghiệp Hải Thành có hơn 4.000m2 đã có quyết định giao đất và văn bản chấp thuận phù hợp địa điểm của UBND thành phố và kiến trúc sư trưởng từ năm 2000.
Công ty liên doanh Quán Hảo - Quán Quân thì đã được UBND thành phố ký quyết định giao 10.000m2 đất từ năm 1997, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà xưởng thì bị ách tắc từ khi có chủ trương quy hoạch khu công nghiệp đến nay.
Bị thu hồi đất, bắt đóng tiền hạ tầng, 71 doanh nghiệp đã đồng loạt khiếu nại. Năm 2007, phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo thành phố giải quyết dứt điểm trong tháng 4.2007. Chờ mãi không thấy, sau đó Văn phòng chính phủ lại một lần nữa đề nghị thành phố báo cáo trước ngày 16.8. Nhưng rồi, đến nay, mọi sự vẫn rơi vào im lặng.