Bắt đầu từ ngày 1.8.2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực, trong đó có quy định chỉ cấp một loại giấy chủ quyền cho nhà và đất.
Quy định này liên quan rất sâu rộng đến quyền lợi của nhiều người dân, trong đó đặc biệt là ở TP.HCM, một đô thị lớn nhất nước.
Tính từ năm 1994, khi Nghị định 60/CP được ban hành, các địa phương trên cả nước, trong đó có TP.HCM chỉ cấp một giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy hồng) cho các chủ sở hữu có nhà gắn liền với đất. Suốt 10 năm, thực hiện theo Nghị định 60/CP, TP.HCM có hơn 400 ngàn căn nhà được cấp giấy hồng, cộng với khoảng hơn 100 ngàn căn nhà được lưu dụng bằng các loại giấy trắng (cấp từ 1994 trở về trước).
Đến năm 2004, khi Nghị định 181/CP được ban hành (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003), việc cấp giấy chủ quyền được chuyển sang "sổ đỏ" cho cả nhà và đất, trong đó tài sản trên đất sẽ được đăng ký và ghi nhận vào "sổ đỏ". Theo đánh giá của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/CP đã thiết kế một hệ thống đăng ký bất động sản thống nhất và một loại giấy chứng nhận thống nhất. Vào thời gian này, TP.HCM cũng triển khai cấp "sổ đỏ" theo mẫu của Nghị định 181/CP cho gần 100 ngàn chủ sở hữu có đất gắn liền nhà ở trên đất.
Tuy nhiên, đến ngày 8.10.2006, khi Nghị định 90/CP (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) có hiệu lực, việc cấp giấy chủ quyền nhà đất lại chuyển sang một bước ngoặt mới.
Bởi, Nghị định 90/CP quy định là phải cấp thêm một "giấy hồng" cho phần nhà ở gắn liền với đất. Tiếp đó, tại Thông tư 05 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 90/CP) của Bộ Xây dựng có quy định nếu chủ sở hữu nhà ở đã có "sổ đỏ" (theo Nghị định 181/CP) mà có nhu cầu cấp thêm "giấy hồng" (theo Nghị định 90/CP) thì cũng được cấp thêm một "giấy hồng" và không phải nộp lại "sổ đỏ".
Trong khi đó, tại TP.HCM việc hướng dẫn và thực hiện cấp giấy chủ quyền cho nhà và đất thuộc hệ thống 2 sở (cấp thành phố), còn tại cấp quận huyện thì thuộc 2 phòng: Tài nguyên - môi trường và Quản lý đô thị. Rắc rối liên tiếp nảy sinh đối với quá trình giao dịch dân sự của người dân, bởi hệ thống "hai giấy, hai quyền" đã thực sự trở thành rào cản, khiến cho không ít tranh chấp xảy ra.
Như vậy, tính ra suốt trong 15 năm qua, việc thay đổi quá nhiều loại giấy khiến cho vấn đề xác định chủ quyền nhà đất của các chủ sở hữu bị đẩy vào tình thế rối rắm, phức tạp. Ở góc độ quản lý, do có nhiều loại giấy và do sự thay đổi nhiều cơ quan cấp giấy khiến cho cơ quan quản lý lúng túng khi phải đối diện với hàng trăm thứ việc để bộ máy thụ lý, giải quyết hồ sơ thích ứng với mỗi giai đoạn đổi thay của chính sách.
Ở góc độ thị trường, có quá nhiều loại giấy khiến cho thị trường kém minh bạch, việc giao dịch gặp nhiều khó khăn. Sự mệt mỏi với việc thay đổi nhiều loại giấy chủ quyền nhà đất đã hiện rõ trên nét mặt của mỗi công dân khi đến với các cơ quan công quyền để xác nhận sở hữu nhà đất của mình.
Và bây giờ, vòng quay 15 năm của "bánh xe" chính sách nhà đất đã trở lại bước ban đầu. Nếu năm 1994 với Nghị định 60/CP, mẫu giấy chủ quyền được gọi là "giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở" thì nay được đổi lại "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất". Còn màu sắc, mẫu giấy chủ quyền được thiết kế ra sao thì đang phải chờ.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên