Đằng sau những cố gắng khơi thông nguồn vốn tín dụng, các nút thắt hàng tồn kho của DN và nợ xấu của hệ thống NH sẽ được xử lý như thế nào mới là các yếu tố cốt lõi có thể tháo gỡ khó khăn cho thị trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển?
Hàng tồn kho bất động sản đang là cục nợ xấu nhức nhối của nhiều NHTM (ảnh minh họa).
|
Tín dụng và tồn kho
Sau hàng loạt các giải pháp quyết liệt giảm LS và giúp các DN đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng từ NH, nguồn vốn tín dụng sau nhiều tháng tăng trưởng ở mức âm bắt đầu có dấu hiệu được khơi thông. Con số tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 8.8 mới đây đạt 1,07% so cuối năm 2011 cho thấy sự hồi sinh rõ rệt của tín dụng. Song để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, các chuyên gia đầu ngành trong buổi làm việc mới đây đều thống nhất cho rằng, cần phải xử lý được nút thắt hàng tồn kho của DN và xử lý nợ xấu của hệ thống NH.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đưa ý kiến, trong suốt thời gian qua, có cảm giác dường như NHNN đang đơn độc trong cuộc chiến đấu tháo gỡ khó khăn cho DN. Vị chuyên gia này cho rằng, bản chất và cái gốc khó khăn nhất của DN hiện nay là vay vốn, LS cao và các yếu tố này khiến nợ xấu càng gia tăng. Nhìn sâu hơn, mấu chốt của nợ xấu, tín dụng và LS nằm ở hàng tồn kho. Do đó nếu thiếu sự can thiệp của các cơ quan chức năng và để mặc trách nhiệm cho NHNN, sẽ không xử lý được vấn đề.
“Vấn đề quan tâm là quy mô tồn kho thực sự bao nhiêu, nếu làm ra 10 đồng mà tồn kho 8 đồng, cho dù có không tăng so với năm ngoái cũng đủ chết rồi” - ông Ánh đưa nhận định. Có một thực tế được ghi nhận là không ít DN dùng lợi nhuận kiếm được đầu tư vào BĐS, CK trong khi vẫn vay vốn nhà băng phục vụ cho sản xuất chính. Khi các lĩnh vực này bế tắc, nhận định DN khó khăn cần phải nhìn lại dòng tiền, phải bóc tách quy mô đầu tư vào BĐS và đánh giá thật sự bao nhiêu tiền của các DN này ném vào BĐS, CK. Hơn nữa cần phải bóc tách xem nếu tính cả BĐS như một dạng tồn kho của DN, con số cụ thể sẽ là bao nhiêu.
“Bởi có thực tế vừa qua chúng ta chỉ nói đến tồn kho trong công nghiệp chế biến chế tạo (nhân tố chiếm 75% công nghiệp xây dựng), trong khi nếu so với giá trị BĐS đóng băng, con số này không là gì. Tôi cho rằng câu chuyện không nằm ở hàng tồn kho của chế biến chế tạo” – ông Vũ Đình Ánh đưa ý kiến.
Không để NH đơn độc
Ngoài các ý kiến về việc LS cần phải tiếp tục hạ xuống 10% nhằm tăng khả năng tiếp cận, sức cạnh tranh của các DN và khả năng đầu tư dài hạn, nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận khó khăn của các DN hiện nay không chỉ đến từ vốn, lãi suất mà còn từ sức cầu giảm sút nghiêm trọng. Và nếu không xóa được tình trạng hàng tồn kho dẫn đến nợ xấu trong nền kinh tế, cả DN và ngân hàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Song việc tháo gỡ khó khăn cho DN không chỉ có NH mà cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó giải quyết hàng tồn kho là vấn đề cấp bách. TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ quan điểm khi cho rằng, để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho sản xuất còn cần xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, đặc biệt là các NH cho vay để kiếm lợi nhuận, bất chấp quản lý của nhà nước. Chính điều này tạo ra các hệ quả như hiện nay mà toàn nền kinh tế phải xử lý, trong đó có vấn đề nợ xấu.
Giải quyết bài toán tồn kho hiện nay, đại diện Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) cho hay, lượng tiêu thụ trên thị trường hiện giảm khoảng 10% ở tất cả các nhóm hàng và doanh thu của DN giảm 2-3 tỉ đồng/tháng so với trước. Đặc biệt với ngành hàng thực phẩm chế biến, tồn kho cũng tăng ở dạng nguyên liệu và DN theo đó phải tìm cách giải phóng trong thời hạn sử dụng cho phép, thậm chí chấp nhận thua thiệt để tìm đối tác bán hạ giá.
Còn theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, DN cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản hơn, kết nối đầu vào - đầu ra thị trường ổn định hơn và không nên quá phụ thuộc vào một thị trường cũng như sản phẩm. DN cũng phải nâng cao trình độ quản trị, đặc biệt quản trị tài chính để có thể phân tích chính xác chi phí và lợi nhuận.
Vẫn còn 24,5% số dư nợ phải chịu lãi suất cao
Theo số liệu vừa được NHNN công bố, tổng hợp số liệu của 69 tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm thị phần tín dụng 90% tính đến ngày 16.8 cho thấy, dư nợ cho vay bằng VND có mức LS dưới 10%/năm chiếm tỉ trọng 4,1%, mức lãi suất từ 10%/năm đến 13%/năm chiếm tỉ trọng 20% và mức LS trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỉ trọng 51,3%. Theo đó dư nợ cho vay có mức LS trên 15%/năm hiện vẫn chiếm tỉ trọng 24,6%, giảm khoảng 65% so với tỉ trọng trước ngày 15.7.2012 và giảm thêm 4,5% so với ngày 3.8.2012. Trong đó, LS giảm mạnh nhất ở nhóm 5 NHTM nhà nước (có tỉ trọng dư nợ cho vay với mức LS trên 15%/năm là 6,2%), giảm khoảng 90% so với tỉ trọng trước ngày 15.7.2012.
Trước đó, vào ngày 7.7.2012, tại Hội nghị sơ kết hoạt động NH trong 6 tháng đầu năm, Thống đốc NHNN đề nghị các TCTD rà soát và điều chỉnh giảm LS của các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm trên cơ sở khả năng tài chính, triển khai từ ngày 15.7. Các con số trên được tổng hợp từ 5 NHTM nhà nước, 27 NHTM cổ phần, 25 chi nhánh NH nước ngoài, 12 Cty tài chính và Cty cho thuê tài chính.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động