Nhiều ngân hàng (NH) đua nhau công bố các gói cho vay bất động sản với lãi suất hấp dẫn, chỉ 13-14%/năm. Tuy nhiên phần lớn gói tín dụng giá rẻ này chỉ nằm trên... giấy.
Nhiều dự án căn hộ đang được triển khai cầm chừng do thiếu vốn - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
Trái với tuyên bố “rùm beng” của các NH về những gói tín dụng bất động sản lãi suất thấp, nhiều khách hàng vẫn phải vay với lãi suất xấp xỉ 20%/năm, trong khi các doanh nghiệp (DN) bất động sản đều khẳng định chưa thể tiếp cận những nguồn vốn này...
Hứa thật nhiều...
Đầu tháng 6-2012, khi đến hạn thanh toán tiền theo tiến độ mua căn hộ block B của dự án Lê Thành ở Q.Bình Tân, TP.HCM, chị Hường (Q.Bình Tân) rảo qua một số NH với hi vọng được vay với lãi suất thấp sau khi nhiều NH công bố các gói tín dụng khá hấp dẫn. Tại NH ANZ, chị Hường được nhân viên NH cho biết lãi suất 13,65%/năm như công bố chỉ áp dụng trong tháng đầu tiên. Từ tháng thứ hai trở đi, lãi suất 15,8%/năm. Nếu chọn kỳ hạn thay đổi lãi suất dài là 3 hoặc 6 tháng, lãi suất tương ứng là 14,05%/năm và 14,52%/năm.
Tuy nhiên, chị Hường thất vọng ra về do NH đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc khá khó khăn. Đó là khách hàng phải vay mức tối thiểu là 500 triệu đồng, tài sản thế chấp phải là nhà có sổ hồng, diện tích từ 30m2 trở lên và được NH định giá từ 820 triệu đồng trở lên, thu nhập mỗi tháng từ 16 triệu đồng trở lên... Trường hợp trả nợ trước hạn trong thời gian từ năm thứ nhất đến năm thứ ba sẽ bị phạt. “Vợ chồng tôi vẫn đang ở nhà thuê, NH đòi thế chấp nhà thì lấy đâu, chưa kể có nằm mơ vợ chồng tôi cũng chẳng kiếm nổi thu nhập khá cao như vậy do đồng lương ba cọc ba đồng tại doanh nghiệp tư nhân...” - chị Hường nói.
Sau khi đảo qua nhiều NH, cuối cùng chị Hường buộc phải vay tại NH MHB với lãi suất lên tới 22%/năm, do các điều kiện dễ thở hơn và cũng không phải chịu lãi phạt nếu trả trước hạn. Trước đó, cũng đến hạn phải nộp tiền mua căn hộ, cuối tháng 5-2012 chị Nguyễn Thị Bích Mai (Q.Bình Tân) rảo qua một số NH như ACB, Techcombank, Viettinbank..., nhưng cũng phải ra về do không vay được vốn rẻ như công bố. “Họ tìm đủ mọi lý do để từ chối cho vay với lãi suất thấp như công bố, nhưng nếu vay lãi suất cao thì có...” - chị Mai nói.
Anh Nguyễn Hữu Tài (Q.Phú Nhuận) cho biết đã tìm hiểu điều kiện vay vốn mua nhà tại nhiều NH. “Điều kiện cho vay vốn đã được mở ra cộng với nhiều ưu đãi hấp dẫn nhưng các NH đều “cài” điều kiện ràng buộc” - anh Tài nói. Phổ biến nhất là NH công bố áp dụng lãi suất rẻ để “dụ” khách hàng nhưng chỉ áp dụng trong 1-2 tháng đầu, sau đó NH quy định cộng thêm biên độ 2-4%/năm, tính ra dao động khoảng 17%/năm.
Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn...
Ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành - cho biết trong ngày 4-6, DN này vẫn thanh toán lãi vay cho một NH với lãi suất lên tới 20%/năm. Ngoài ra theo ông Nghĩa, trong ba tháng gần đầy, DN đã liên hệ nhiều NH để vay vốn nhưng đều nhận được
cái lắc đầu từ nhân viên tín dụng. “Từ trước đến nay, công ty có “lý lịch tín dụng” rất tốt, chưa từng trễ hạn trả lãi cũng chưa từng có nợ xấu, dư nợ tín dụng của DN tại NH hiện rất thấp, chỉ có 23 tỉ đồng. Thế nhưng, dù gõ cửa khắp nơi chúng tôi có vay được đâu. Có lẽ họ nói cho vui” - ông Nghĩa bức xúc.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Lâm - chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải - cho biết cuối tháng 5-2012 sau nhiều lần làm việc, phía NH đã đồng ý giảm lãi suất cho khoản vay của DN từ 20,5%/năm xuống còn 18,5%/năm, khá cao so với mặt bằng lãi suất mà các NH tuyên bố hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - khẳng định trừ một số DN có quan hệ với BIDV tiếp cận được nguồn tín dụng lãi suất thấp, hầu hết thành viên còn lại của hiệp hội đều đang phải chịu lãi vay từ 18-20%/năm.
“Nhiều NH tuyên bố về gói tín dụng bất động sản với lãi suất mềm hơn, nhưng việc triển khai vào thực tế thế nào thì chẳng thấy thông tin phản hồi từ các DN, tôi có hỏi thì các DN đều cho biết không tiếp cận được...” - ông Châu nói. Riêng chương trình “bốn nhà” của BIDV, theo ông Châu, dù được triển khai công khai và rộng rãi nhưng không phải DN nào cũng đáp ứng được điều kiện là khách hàng của BIDV, do các DN quan hệ tín dụng với nhiều NH khác nhau. “Dù muốn tham gia chương trình “bốn nhà” của BIDV để được vay vốn rẻ hơn, chúng tôi cũng không làm được vì trước hết phải thanh toán các khoản vay cũ tại những NH khác. Mà trong thời buổi này, DN làm gì có tiền để trả hết nợ gốc cho các NH...” - giám đốc một DN nói.
Nên liên kết với chủ đầu tư
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng nếu các NH thật sự triển khai các gói tín dụng giá rẻ cho khách hàng cá nhân, phương án hiệu quả nhất là liên kết với chủ đầu tư. Chẳng hạn, NH sẽ thẩm định một số dự án có triển vọng đầu ra tốt, ký thỏa thuận với chủ đầu tư về việc hỗ trợ khách hàng vay mua căn hộ, đồng thời công bố công khai. Theo ông Châu, mô hình này sẽ đem lại lợi ích cho cả ba bên, đó là NH, khách hàng và chủ đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO