Mới đây trên tờ Bangkok Post của Thái Lan có đăng bài viết của tác giả Matthew Koziora nhận định về những cơ hội và thách thức đối với các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài tại Việt Nam. Sau đây là bản lược dịch của bài viết này.
Việt Nam đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, vì đây là một trong những thị trường nhà đất hấp dẫn nhất ở châu Á, ông Matthew Koziora, Phó giám đốc tập đoàn kinh doanh bất động sản CB Richard Ellis tại Việt Nam, nhận xét.
Sự hấp dẫn của thị trường địa ốc Việt Nam được lý giải bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố tích cực. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong vòng 10 năm qua và địa vị thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ đầu năm 2007, Việt Nam còn có một cấu trúc dân số đáng mơ ước với tỷ lệ dân số trẻ ở mức cao.
Những yếu tố này thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hóa và làm tăng khả năng chi trả của người dân, góp phần duy trì và thậm chí còn tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.
Nhiều người so sánh Việt Nam hiện nay với Trung Quốc vào những năm 1990. Trên thực tế, có nhiều sự tương đồng giữa Việt Nam ngày nay và Trung Quốc 15 năm trước đây. Trong đó phải kể đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực xuất khẩu, tạo ra số lượng việc làm lớn, đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo.
Bên cạnh đó, còn phải kể đế xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu đối với các loại hàng hóa và dịch vụ, trong đó có chỗ ở.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa hai quốc gia: 70% trong dân số 88 triệu người của Việt Nam hiện ở độ tuổi dưới 35. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động mua sắm tại Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.
Cùng với việc gia nhập WTO, Việt Nam đã cải thiện hệ thống luật pháp của mình, trong đó có Luật Đất đai. Việc ban hành Nghị định 84 vào tháng 6 năm ngoái đã khiến thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phần lớn các dự án bất động sản ở Việt Nam hiện nay là các dự án nhà ở, vì Chính phủ Việt Nam cho phép các dự án này được bán nhà ở mức tối đa cho cả người Việt Nam và người nước ngoài.
Ngoài ra, cũng không có sự khác biệt về giá nào giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, và người nước ngoài hoàn toàn được độc quyền sử dụng tài sản nhà đất trong khoảng thời gian mua quyền sử dụng.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường nhà đất ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế đối với họ. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài không thể huy động vốn bằng tài sản nhà đất mà họ đã mua và tài sản đó phải được mua 100% bằng tiền mặt. Thứ hai, họ không thể dùng tài sản nhà đất đó làm tài sản thừa kế. Và thứ ba, họ không thể cho thuê lại tài sản nhà đất đó.
Những hạn chế này đã được quy định trong luật và không thể đàm phán. Theo dự đoán, những hạn chế này có thể được bãi bỏ trong tương lai nhưng vào lúc này vẫn chưa thể xác định được thời điểm đó.
Các chuyên gia của CB Richard Ellis khuyến nghị, người nước ngoài khi mua nhà ở Việt Nam nên mua từ một nhà đầu tư có nguồn gốc rõ ràng, và mua ở những dự án có cơ sở hạ tầng và tiện nghi hoàn thiện, tốt nhất là mua những phòng ở góc ở tầng cao có tầm nhìn. Ngoài ra, họ cần cân nhắc khả năng có thể bán lại căn hộ.
Thị trường căn hộ ở Việt Nam trong hai năm qua đã tăng trưởng mạnh mẽ và xu thế này được dự báo sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn do cung thấp, cầu cao, nhất là nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang nổi lên. Phần đông khách hàng trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn là người địa phương, nhưng số lượng khách hàng nước ngoài vẫn đang tiếp tục tăng.
Để ngăn chặn hoạt động đầu cơ, Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất tài sản gia tăng 25% từ tháng 1/2009. Mặc dù quy định này đã có ảnh hưởng nhất định đối với nhu cầu trên thị trường căn hộ, các chuyên gia vẫn cho rằng, quy định này chưa chắc sẽ có hiệu quả đúng như Chính phủ mong đợi.
Nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt tại Tp.HCM hiện rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài dám chấp nhận rủi ro.
Nếu biết chớp thời cơ, chắc chắn họ sẽ bỏ túi được không ít.
Theo VnEconomy