Vốn ngoại “săn” bất động sản

Cập nhật 28/03/2012 14:30

Trong 3 tháng đầu năm 2012, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút tới 45,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đăng ký mới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cho 120 dự án mới là 2,26 tỷ USD, chỉ bằng 77,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, vốn đăng ký đầu tư vào bất động sản chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký mới, tương đương với trên 1,2 tỷ USD, trở thành lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài để mắt nhiều nhất trong những tháng đầu năm nay. Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 44,6% và lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ ba với 6,8%.

Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD

Sự bứt phá của bất động sản bắt nguồn từ dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đăng ký tại tỉnh Bình Dương với tổng số vốn 1,2 tỷ USD. Đây cũng trở thành dự án đầu tư có vốn FDI lớn nhất được cấp phép trong 3 tháng đầu năm 2012.

Những số liệu trên minh chứng cho những dự báo về năm 2012 là thời điểm đầu tư bất động sản ở Việt Nam. “Do sự suy giảm của thị trường hơn 2 năm qua, chúng tôi tin rằng có một số lượng rất lớn nhu cầu bất động sản bị dồn nén", dự báo mới đây của Knight Frank Việt Nam, đơn vị chuyên tư vấn về bất động sản. "Hơn nữa, số lượng các nhà đầu tư quốc tế liên hệ với Knight Frank tăng đáng kể trong 6 tháng qua. Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam và một số quốc gia khác nằm trong tầm ngắm của họ”.

Tuy nhiên, trong tháng này, trả lời trực tuyến nhân dân về dòng vốn FDI không đầu tư cho sản xuất mà đổ vào bất động sản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, hiện đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm.

“Nếu bình quân trong giai đoạn 2008 – 2010, trên 34% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vào bất động sản. Đây là con số đáng báo động. Nhưng sang năm 2011, cùng với các biện pháp quản lý vĩ mô, đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp FDI giảm còn 7%”, ông Vinh dẫn chứng.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung thêm, đầu tư cho bất động sản cũng có đóng góp quan trọng nhưng nếu đầu tư quá mức vào lĩnh vực này gây ra những vấn đề căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường, kinh tế vĩ mô.

Vẫn theo số liệu từ ngành kế hoạch, thì ngoài dự án bất động sản tại Bình Dương, trong 3 tháng đầu năm nay còn có một số dự án khác cũng được coi là lớn dưới góc độ vốn đầu tư như, dự án sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su tại Hải Phòng do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư 574,8 triệu USD, dự án Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam tại tỉnh Khánh Hoà cũng của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD.

Với những dự án mới kể trên cộng với những dự án cũ tăng vốn đầu tư, Nhật Bản trở thành đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong đầu năm nay với 2,3 tỷ USD, chiếm 88,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Hà Lan đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 46,1 triệu USD (chiếm 1,7% tổng vốn đầu tư). Vị trí thứ 3 là Đài Loan với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 42,9 triệu USD, chiếm 1,6%.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News