Trong bối cảnh đà phục hồi của thị trường bất động sản mới nhen nhóm sau thời gian dài ảm đảm đang có dấu hiệu chững lại do thiếu động lực, thì thông tin vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này đang vươn lên đứng hàng thứ hai trong 7 tháng đầu năm, cũng như hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đang “nhòm ngó” những dự án tiềm năng như một cú huých kịp thời để nâng đỡ thị trường.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 7/2014, Việt Nam thu hút thêm được 233 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD và 181 dự án đăng ký tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 0,68 tỷ USD, đưa tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2014 lên 9,53 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 20 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với 69 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 547,58 triệu USD, chiếm 5,7% tổng vốn.
Không chỉ dừng lại ở đó, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước còn tiết lộ thêm, ngoài số vốn đã đăng ký kể trên, đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cam kết đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể kể đến các đại dự án như khu đô thị sinh thái 1 tỷ USD, rộng 516 héc-ta tại đảo Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) của Tập đoàn xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan); Dự án Ha Long Star, rộng 125 héc-ta, tổng mức đầu tư 550 triệu USD của Nakheel (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - UAE); Dự án Khu phức hợp vui chơi giải trí (Casino) tại đảo Tuần Châu, TP. Hạ Long (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư lên tới 7,5 tỷ USD của Tập đoàn ISC Corp (Mỹ); liên danh Tập đoàn Amata (Thái Lan) với Tuần Châu sẽ đầu tư phát triển dự án Khu đô thị công nghiệp công nghệ cao tại thị xã Quảng Yên với quy mô 7.834 héc-ta, trong đó giai đoạn I là 754 héc-ta, tổng vốn đầu tư từ 1,5 - 2 tỷ USD…
Bất động sản Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại cũng là đánh giá chung của các chuyên gia đầu ngành tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE cho biết, lý do các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao thị trường bất động sản Việt Nam là do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước, cũng như gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ngoài ra, Luật Đất đai mới, có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất cho việc đầu tư vào các dự án nhà ở để bán cũng giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam tiết lộ: “Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chiếm phần lớn các hoạt động mua bán sáp nhập trên thị trường bất động sản Việt Nam trong 2 năm qua, dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhìn thấy nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà đầu tư Singapore và Đài Loan ở phân khúc nhà ở và văn phòng”.
Có thể nói, các chính sách kích thích thị trường của Chính phủ thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giúp bất động sản trở mình sau giấc ngủ đông kéo dài và lấy lại sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Thời gian tới, với sự hồi phục của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng được cải thiện, cùng với 2 đạo luật quan trọng là Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi với nhiều nội dung cởi mở hơn cho Việt kiều, người nước ngoài kinh doanh và sở hữu bất động sản được Quốc hội thông qua, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ hoàn toàn hồi phục và trở thành “điểm ngắm” của các đại gia nước ngoài.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản