Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản tăng trở lại sau nhiều năm xuống thấp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 16/12 vừa qua, Tập đoàn Nakheel cam kết trình kế hoạch tiếp tục đầu tư Dự án Khu đô thị - Du lịch Hạ Long Star tại tỉnh Quảng Ninh ngay trong tháng 1/2015, với tổng vốn 550 triệu USD.
Dự án Khu đô thị - Du lịch Hạ Long Star có tổng vốn 550 triệu USD
|
Khu đô thị - Du lịch Hạ Long Star (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long) có diện tích 125 ha, được quy hoạch xây dựng một khách sạn 5 sao với 250 phòng, một khách sạn hạng sang 100 phòng, 226 biệt thự, 85 nhà phố, 114 căn hộ và trung tâm thương mại. Dự án được cấp giấy phép đầu tư và khởi công từ năm 2007. Do gặp khó khăn về tài chính, Dự án bị chậm tiến độ triển khai so với cam kết ban đầu.
Thông tin từ Sovico Holdings, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị - Du lịch Hạ Long Star cho biết, thời gian qua, còn có những điểm chưa thống nhất giữa Sovico Holdings và Nakheel trong kế hoạch hợp tác đầu tư, nên chưa thể thông tin về Dự án.
“Tuy nhiên, nếu lãnh đạo Tập đoàn Nakheel cam kết với đại diện Chính phủ Việt Nam, thì đây là cơ sở quan trọng để 2 bên đi đến thống nhất đẩy nhanh tiến độ Dự án”, đại diện Sovico Holdings cho biết.
Đánh dấu sự trở lại của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản từ giữa năm 2014, Tập đoàn Magnum Group (Dubai) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Tổng công ty Bất động sản Đông Á về Dự án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch sinh thái Núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn. Theo đó, Magnum Group sẽ cử chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới đến Thanh Hóa để nghiên cứu và quy hoạch dự án, nhằm xây dựng khu núi Trường Lệ thành khu du lịch biển đẳng cấp thế giới.
Cùng với mối quan tâm của các nhà đầu tư đến từ Trung Đông, bất động sản Việt Nam còn thu hút các nhà đầu tư đến từ Singapore. Tập đoàn Far East Organization (Singapore) trong năm 2014, đã nhiều lần tổ chức các cuộc tiếp xúc cho các nhà đầu tư bất động sản Singapore đến Việt Nam và ngược lại, giới thiệu cơ hội đầu tư bất động sản ở nước ngoài cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Bà Tricia Teo, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Đầu tư tư vấn bất động sản quốc tế (SLP Group Singapore) trong chương trình tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam mới đây đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và thăm một số dự án để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo chia sẻ từ các chuyên gia bất động sản Singapore, không chỉ SLP, mà nhiều nhà đầu tư từ Singapore đều mong muốn đón đầu cơ hội tại thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là khi chính sách mở cửa cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở đã được Quốc hội thông qua. Các nhà đầu tư Singapore đã đăng ký đầu tư hơn 513 triệu USD vào 37 lượt dự án tại Việt Nam.
“Hiện giá nhà đất tại Việt Nam vẫn được cho là khá hấp dẫn và cân đối với nguồn tiền đầu tư của doanh nghiệp bỏ ra. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài thường sẵn có nguồn vốn, quỹ đầu tư bất động sản riêng biệt, có chiến lược phát triển rõ ràng và đội ngũ chuyên nghiệp”, bà Tricia Teo nhận định.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối quý III/2014, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản có 27 dự án đầu tư đăng ký mới và tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt 1,2 tỷ USD gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013, đứng thứ hai trong số các ngành, lĩnh vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số vốn này bằng 11% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả nước. Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Smart Complex của Lotte ở Thủ Thiêm, TP.HCM (2 tỷ USD); Amata City Long Thành của Amata tại tỉnh Đồng Nai (530 triệu USD). Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư còn đổ vào phát triển các dự án phức hợp tại các khu cảng của TP.HCM như Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Khánh Hội Nhà Rồng và Nhà máy Đóng tàu Ba Son.
Liên quan đến những ý kiến nghi ngờ về sự xác thực của nguồn vốn giải ngân so với vốn đầu tư đăng ký vào các dự án bất động sản và lo ngại thị trường bất động sản trong nước không hấp thụ được nguồn vốn này, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu chúng ta xây dựng được chính sách thu hút tốt, nguồn vốn FDI vào bất động sản sẽ tăng cao, bởi tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất lớn.
“Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), cởi mở hơn trong việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm dự án bất động sản tiềm năng để bỏ vốn đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư